Cây đàn Piano cổ nhất Việt Nam được sản xuất từ năm 1890, thuộc thương hiệu Pleyel, là một hãng Piano nổi tiếng lâu đời nhất thế giới và là hãng đàn đầu tiên tại Paris. Cây đàn này hiện đang được sở hữu bởi ông Phan Quang Minh – Nguyễn An Ninh, Hoàng Mai, Hà Nội.
Cũng theo ông Minh, đàn dương cầm cổ ở Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 2 chiếc, ông là người may mắn sở hữu một chiếc, chiếc còn lại do một gia đình khác tại Hà thành sở hữu. Hiện số đàn Piano có tuổi thọ vài chục năm thì rất ít cây còn sử dụng tốt, có thể có nhiều gia đình còn giữ nhưng sẽ không sử dụng được.
Cây đàn cổ sản xuất năm 1890 có màu nâu cổ, vẫn giữ nguyên độ bóng như mới được sơn. Bộ dây bên trong đàn còn nguyên vẹn, phía trong hộp đàn in rất nhiều chữ Pleyel nổi màu đồng và in năm sản xuất – 189036 ( chiếc đàn thứ 36 sản xuất năm 1890).
“ Cơ cấu của chiếc dương cầm cổ này được dùng gỗ rất đặc biệt, làm hoàn toàn bằng gỗ thịt, gỗ đặc, theo tính chất âm học của đàn, thì đây là thiết kế được liệt vào hay bậc nhất trong các loại đàn cùng thời. Không chỉ vậy, với những chiếc đàn cổ, giá nhạc bằng gỗ gắn liền trên đàn, đây là điểm riêng, mang dấu ấn văn hóa Pháp” – Ông Quang Minh cho biết.
Kể về cơ duyên được sở hữu chiếc đàn quý, ông Minh cười nói “ Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy tình cờ và may mắn cho mình, từ những năm 1986, khi còn học Piano ở nhạc viện Hà Nội, tôi đã biết ở Việt Nam vẫn còn đàn của hãng Pleyel từ Pháp đưa sang. Chiếc Piano này tôi mua của Đặng Nguyên Hào, một người chuyên sửa và lên dây Piano, do một lần sang nhà ông Hào chơi, tôi được gợi ý mua chiếc đàn cũ cho con nhỏ tập Piano, đàn cũ nhưng dùng còn tốt lắm. Trước tôi đã có một người mua cây dương cầm này, nhưng chê cồng kềnh quá nên trả lại, và vì thế tôi có được cây Piano Pleyel 189036”.
Không ngần ngại, cũng chưa xem xét tỉ mỉ, ông Quang Minh đã bỏ ra 1.700USD để mua đàn. Sau khi mua được 3 năm ông Minh mới biết đó là đàn cổ, và là một loại Piano quý hiếm của Pháp. Hãng đàn Pleyel gắn liền với câu chuyện cảm động của Chopin (Frederic Chopin, 1810 – 1849), nhà soạn nhạc thiên tài người Ba Lan.
Khi chopin bị ốm nặng, không có tiền chữa bệnh đã tìm đến Pleyel vay tiền, rồi đi xuống miền Nam Tây Ban Nha chữa bệnh. Khi đã khỏi, Chopin giữ đúng lời hứa với Pleyel là trả nợ dần bằng cách viết nhạc. Một thời gian sau đó, Chopin đã viết trọn 24 bản Prelude (khúc dạo đầu) tặng hai vợ chồng Pleyel. Những bản nhạc Prelude sau này đã trở thành những tác phẩm bất hủ của nhạc cổ điển. Bản thân ông Pleyel cũng là một nhạc sĩ và vợ ông là nghệ sĩ Piano, tên ông Pleyel sau đó được sử dụng làm tên hãng sản xuất đàn Piano.
Ông Quang Minh cho biết, hiện cây đàn vẫn sử dụng được nhưng do tác động của thời gian và các yếu tố ngoại cảnh nên phím không còn trơn, búa không còn em, tuy vậy, âm thanh vẫn rất hay, có đủ độ vang, thanh, rung, nghe rát có hồn chứ không hề sắc và thô. Ông rất mong muốn con gái có thể chơi trọn 24 bản Prelude của Sopanh với cây đàn cổ này.
Được biết, sau khi biết thông tin về cây đàn này, Trung tâm Văn hóa Pháp đã ngỏ ý muốn thuê lại nhưng ông Minh không đồng ý. Hiện cây đàn đang được đặt tại phòng làm việc của ông Quang Minh, và ít người được biết đến kể cả những người bạn của ông.
Piano Pleyel được chuyển từ Pháp về Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ 19, rất có thể nằm cùng trong những chuyến tàu thủy chở hạt giống của bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin (1863 – 1943) – Người thành lập viện Pasteur Nha Trang.
Đàn Grand Piano cổ hiện nay rất hiếm, đặc biệt là những chiếc đàn trên 100 năm tuổi. Cây Piano mà ông Quang Minh đang sở hữu là một cây Piano đặc biệt như thế. Ngày nay với nhiều giá trị âm nhạc thay đổi chóng mặt theo thị hiếu người dùng, thì grand Piano vẫn là Vua của mọi loại nhạc cụ.
Xem thêm >>>> Đàn piano Steinway “Chromasoul” - The Music of Color
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: 1800 6715