Cẩm nang guitar: Kiến thức cơ bản về guitar điện

17/07/2018 52811

Khi bạn muốn tìm kiếm cho mình cây đàn guitar điện đầu tiên, sẽ có rất nhiều lựa chọn cho bạn và để ra quyết định chọn mua một cây đàn có thể sẽ rất bối rối, cho dù bạn đã có nhiều năm chơi đàn guitar acoustic nhưng chưa biết gì về đàn guitar điện. Bài hướng dẫn này sẽ cung cấp kiến thức cơ bản của những cây guitar điện để giúp bạn có thể dựa vào đó mà đưa ra quyết định phù hợp nhất với bản thân.

DÁNG ĐÀN.

Khác với đàn guitar acoustic thường có thiết kế vẻ ngoài truyền thống, guitar điện có nhiều hình dáng khác nhau đến từ các thương hiệu khác nhau, việc lựa chọn dáng đàn sẽ phù thuộc vào sở thích cá nhân của mỗi người. Hai loại dáng đàn thường thấy nhất:

  • Single-cut: Những cây đàn chỉ có một phần khuyết ở bên dưới cây đàn để người chơi có thể dễ dàng chơi những nốt cao. Các cây đàn có dáng single-cut phổ biến: Fender Telecaster, Gibson Les Paul.
  • Double-cut: Một số dáng đàn sẽ có phần khuyết ở trên lẫn dưới cây đàn, phần khuyết phía trên có thể nhỏ hơn hoặc bằng phần khuyết bên dưới. Giúp cho người chơi có thể di chuyển ngón cái dễ hơn ở vị trí tiếp xúc cần đàn và thân đàn. Ngoài ra còn giúp cho cây đàn cân bằng hơn khi đeo dây đàn vì thiết kế đều hai bên. Các cây đàn có dáng double-cut phổ biến: Fender Stratocaster, Gibson SG, Gretsch Streamliner, PRS.

Các dáng đàn guitar điện rất đa dạng và độc đáo.

THÂN ĐÀN.

Guitar điện có rất nhiều loại thân đàn khác nhau và mỗi loại cho ra một âm thanh đặc trưng, có rất nhiều điều cần phải cân nhắc trước khi mua một cây đàn, ví dụ như bạn cần phải biết mình muốn một cây đàn thân solid (đặc) hay hollow (rỗng).

Theo truyền thống những cây đàn hollow thường được sử dụng rộng rãi trong nhạc jazz và blues, trong khi đàn solid thì được thấy trong những thể loại rock, pop nhiều hơn. Điều đó không có nghĩa là bạn không thể dùng cây đàn hollow cho rock, pop và solid cho jazz và blues. Sau đây là những khác biệt chính của những loại thân đàn khác nhau này:

  • Solid: Những cây đàn guitar điện solid được biết là mang lại độ ngân dài hơn so với đàn hollow, và có thể khuếch đại âm thanh cực lớn mà không lo ngại về vấn đề âm thanh gặp hiện tượng feedback (hú). Vì những cây đàn solid không có không gian cộng hưởng như đàn hollow, nên âm thanh của chúng phụ thuộc chủ yếu vào amp. Ngoài ra đàn solid có khả năng hoạt động tốt với những pedal hiệu ứng hơn. Những cây đàn này không phụ thuộc vào không gian cộng hưởng nên hình dáng của chúng thường không ảnh hưởng đến âm thanh của cây đàn, nếu bạn muốn sở hữu một cây đàn có kiểu dáng thật đặc biệt, thì nó phải là một cây đàn solid.

  • Semi-hollow: Nằm giữa solid và hollow là guitar thân semi hollow. Có nhiều điểm thú vị của thân đàn semi-hollow, bao gồm âm thanh ấm áp mà nó mang lại, độ ngân tốt. Đàn semi-hollow có khả năng hoạt động tốt với amp, tuy nhiên đôi khi vẫn xảy ra hiện tượng feedback. Chúng thường có âm thanh sáng, dứt khoát như những cây đàn solid. Đàn semi-hollow vì có cấu trúc bán rỗng nên sẽ nhẹ hơn đàn solid.

  • Hollow: Đàn guitar hollow cho âm thanh hơi hướng như những cây đàn guitar acoustic phù hợp cho thể loại jazz và blues, vì vậy nên cũng thường xảy ra tình trạng mà những cây đàn acoustic gặp phải khi chơi qua dàn âm thanh là feedback, thậm chí tại mức âm lượng trung bình. Điểm nổi bật của đàn guitar hollow là âm thanh ấm áp, bass dày làm say mê nhiều người chơi.

SCALE ĐÀN, CẤU TẠO CẦN ĐÀN.

Độ dài scale (scale length) của cây đàn là chiều dài dây đàn có thể rung tự do trên cây đàn, được đo từ ngựa đàn đến lược đàn. Đàn guitar có scale dài thường cho cảm giác dây có độ căng cao hơn, âm thanh sáng và dải âm bass rõ ràng hơn. Trong khi scale ngắn cho dây đàn cảm giác ít căng hơn, dễ dàng thực hiện các kĩ thuật bend dây đàn hơn, phù hợp với ngưới chơi có bàn tay nhỏ. Đàn có scale ngắn thường cho âm thanh ấm áp hơn.

Cần đàn thường được gắn liền với thân đàn theo hai kiểu:

  • Bolt-on: cần đàn được cố định vào thân đàn bàn ốc vít, đây là phương pháp cấu tạo cần đàn có chi phí hiệu quả nhất. Nó cho phép dễ dàng sửa chữa và thay thế.
  • Set-neck: cần đàn được cố định vào thân đàn bằng keo. Phương pháp này sẽ ổn định hơn và cho cây đàn độ ngân và cộng hưởng tốt hơn, tuy nhiên sẽ khó hay thậm chí là không thể sửa chữa và thay thế.

NGỰA ĐÀN.

Ngựa đàn được gắn ở phần dưới của thân đàn guitar. Dây đàn tiếp xúc với ngựa đàn trước khi gắn vào thân đàn hay tailpiece. Ngựa đàn thiết kế để phù hợp cho các dây đàn độ dài, kích thước khác nhau đảm bảo rằng các dây vẫn giữ tune chuẩn với nhau. Ngựa đàn trện guitar điện thường cho phép điều chỉnh để các dây được tune chuẩn với nhau và các nốt nhạc tại các phím trên toàn bộ chiều dài của cần đàn đều chuẩn. Quá trình này được gọi là intonation, làm cho cây đàn chuẩn tại mọi vị trí phím đàn, và là một phần quan trọng của việc chỉnh một cây đàn cho hiệu suất tối ưu. Ngựa đàn cho phép điều chỉnh độ cao dây đàn so với mặt phím, thường gọi là action của cây đàn, action càng thấp thì càng dễ chơi, tuy nhiên nếu thấp quá sẽ gây ra âm thanh rè.

Một số ngựa đàn tích hợp thanh whammy bar cho phép người chơi tăng hoặc giảm độ căng dây, tạo hiệu ứng vibrato bằng cách di chuyển whammy bar khiến cho ngựa đàn di chuyển lên hoặc xuống. Ngựa đàn này thường được gọi là tremolo (tuy nhiên thuật ngữ này không chính xác về mặt lý thuyết vì tremolo là hiệu ứng lặp lại âm thanh chứ không phải thay đổi cao độ, nhưng vẫn được chấp nhận và dùng để chỉ loại ngựa đàn này).

Eddie Van Halen là một tay guitar nổi bật với các kĩ thuật ứng dụng whammy bar.

Hệ thống này gọi là ngựa đàn có cần nhún, phổ biến trên những cây đàn guitar điện. Với những người mới bắt đầu không nên chọn những cây đàn có cần nhún vì khó chỉnh và thậm chí việc thay dây đàn cũng rất khó khăn với những ai chưa có kinh nghiệm, ngựa đàn cố định sẽ phù hợp với những người mới bắt đầu hơn vì nguyên tắc hoạt động của nó tương tự như trên những cây guitar acoustic.

PICK-UP

Bên cạnh dáng đàn thì pick-up là yếu tố quan trọng trong việc quyết định âm thanh cảu một cây đàn guitar điện. Pick-up cấu tạo là nam châm có 6 cực tương ứng 6 dây đàn guitar được bao bọc bởi hàng ngàn vòng dây đồng. Khi dây đàn được đánh, dao động của dây đàn làm gián đoạn từ trường được tạo ra bởi các cực, từ đó tạo một tín hiệu điện sau đó được truyền đến bộ khuếch đại và tín hiệu được chuyển thành sóng âm thanh. Các loại pick-up thường thấy trên guitar điện:

Single-coil: Thiết kế pick-up cơ bản và được thiết kế đầu tiên trên thế giới là single-coil. Được cấu tạo từ một lõi nam châm được quấn dây đồng xung quanh, tạo ra một từ trường để bắt những dao động của dây đàn và biến chúng thành tín hiệu điện tử. Single-coil cho âm thanh sáng, thanh nhưng thường tạo ra âm thanh “hum” (nhiễu) và bị ảnh hưởng bởi từ trường.

Single-coil được sử dụng hầu hết trên những cây đàn Stratocaster của Fender và được ưa chuộng bởi những nghệ sĩ guitar như Eric Clapton, Stevie Ray Vaughan, John Mayer, Merle Travis…

Eric Clapton sử dụng pick-up Single-coil nhiều nhất trong sự nghiệp của mình.

Humbucker: được thiết kế để loại bỏ âm thanh “hum” mà single-coil mang lại và bên cạnh đó cung cấp âm thanh đặc trưng của riêng mình. Humbucker được thiết kế gồm hai pick-up single-coil nối với nhau với các cực của nam châm đối nghịch với nhau từ đó triệt tiêu được tiếng “hum”.

Humbucker thường có âm thanh dày, lớn, ấm hơn so với single-coil. Mặc dù rất linh hoạt, nhưng humbucker nổi bật nhất trong những thể loại jazz, rock, heavy metal. Những nghệ sĩ nổi tiếng với âm thanh của humbucker Slash, Jimmy Page, Joe Pass, Angus Young…

Âm thanh đặc trưng của Slash đến từ những chiếc pick-up Humbucker.

P90: là một loại pick-up single-coil nhưng có cấu tạo rộng và ngắn hơn những loại single-coil khác. Khiến cho âm thanh nó tạo ra mang đặc trưng ấm và ít sáng và gai góc hơn. Pick-up P90 là một dạng single-coil, vậy nên cũng gặp hiện tượng “hum”.

Active: Một số cây đàn guitar được trang bị pick-up active – pick-up cần sử dụng pin để vận hành và kết hợp một preamp để điều chỉnh âm sắc. Guitar với active pick-up thường có output cao hơn những pick-up passive (pick-up không cần cấp nguồn riêng) và cho ra âm thanh trong trẻo và âm lượng cao hơn.

Pick-up switch và núm điều chỉnh

Hầu hết các guitar điện đều có nhiều pick-up. Một số sẽ có hai hoặc ba pick-up single-coil, một số sẽ có hai hoặc ba pick-up humbucker. Một số hãng cung cấp cấu hình kết hợp giữa single-coil và humbucker, cho người chơi tùy chỉnh âm thanh cây đàn đa dạng hơn. Cấu hình pick-up thường được viết tắt bằng S cho single-coil và H cho humbucker.

Vị trí của pick-up trên guitar có tác động đáng kể đến âm thanh mà nó tạo ra. Pick-up nằm ngựa đàn (bridge pick-up) cho âm thanh treble thanh và sáng hơn thường dùng để chơi lead, trong khi pick-up nằm gần cần đàn (neck pick-up) mang đặc trưng âm thanh ấm và dày thích hợp cho lối chơi rhythm.

Những cây đàn với nhiều pick-up sẽ có một switch (3 chiều cho đàn 2 pick-up và 5 chiều cho đàn 3 pick-up) cho phép người chơi lựa chọn cũng như kết hợp hai hoặc nhiều pick-up cùng một lúc tùy thuộc vào loại đàn. Các nút điều khiển này có thể là các núm xoay, cần gạt cho phép người chơi chuyển đổi nhanh chóng các kết hợp pick-up khác nhau trong quá trình biểu diễn.Ngoài việc lựa chọn pick-up, các cây đàn guitar sẽ có các nút điều khiển âm lượng và tone.

LOẠI GỖ.

Khác với guitar acoustic thùng đàn đóng vai trò là bảng cộng hưởng nên loại gỗ làm đàn sẽ đóng vai trò quyết định âm thanh của cây đàn, thì âm thanh guitar điện được tạo ra chủ yếu do sự tương tác giữa dây đàn và pick-up. Bạn có thể thắc mắc vậy gỗ làm thân đàn có đóng góp gì cho âm thanh của cây đàn không? Trên thực tế, gỗ có một tác động đáng kể trong việc tạo nên sự khác biệt trong âm thanh của những cây đàn guitar khác nhau. Sự cộng hưởng từ gỗ sẽ quyết định dây đàn sẽ dao động như thế nào và trong bao lâu. Các loại gỗ phổ biến được sử dụng làm thân đàn guitar:

  • Mahogany: là một loại gỗ rất dày đặc, cứng cáp thường được sử dụng làm tất cả các bộ phận của cây đàn ngoại trừ ngựa đàn và mặt phím – bộ phận yêu cầu loại gỗ cứng hơn. Cần đàn và mặt sau làm từ gỗ mahogany thường thấy trên guitar có scale ngắn với mặt top từ maple. Một sự kết hợp phổ biến khác là all-mahogany (tất cả bộ phận cây đàn đều làm từ mahogany trừ mặt phím). Mahogany cho âm thanh ấm áp, êm dịu và có độ cộng hưởng tốt giúp gia tăng độ vang của cây đàn.
  • Maple: là loại gỗ phổ biến nhất được sử dụng để làm cần đàn. Nó rất cứng và dày đặc, và thường có vân hạt chi tiết hấp dẫn. Maple cũng có âm thanh tổng thể rất tươi sáng. Nhờ vẻ ngoài có vân quyến rũ và đặc điểm âm của nó thường được sử dụng làm một lớp trang trí trên mặt top (veneer) cho những dòng guitar đắt tiền hơn. Độ cứng của nó giúp cải thiện tiếng treble trong âm thanh của guitar, thường được sử dụng làm mặt phím.
  • Rosewood: là loại gỗ phổ biến nhất được sử dụng cho mặt phím guitar điện. Nó là rất dày đặc và cứng và có vẻ ngoài đẹp, màu sắc đa dạng từ gần như màu đen sang màu nâu và vàng. Rosewood đôi khi được sử dụng làm thân đàn guitar điện, nhưng điều này làm cho cây đàn guitar khá nặng.
  • Ebony: là một loại gỗ rất cứng, dày đặc chủ yếu được sử dụng làm mặt phím trên những cây đàn guitar đắt tiền. Nó có một cảm giác chơi mượt mà và có màu đen hoàn toàn.
  • Ash: là một chấ t liệu làm thân đàn phổ biến cho guitar điện. Nó cứng hơn mahogany và có độ cộng hưởng tốt. Điều này giúp cho cây đàn có độ ngân lâu, âm thanh tươi sáng với dải âm thanh tầm trung rõ. Một loại gỗ màu sáng với vân hạt hấp dẫn, nó thường được hoàn thiện trong suốt để giữ vẻ đạp tự nhiên của gỗ.
  • Alder: có các đặc điểm về tông màu tương tự nhưAsh, nhưng có giá thành thấp hơn và vẻ ngoài không nổi bật bằng. Alder cũng là một trong những loại gỗ làm thân đàn phổ biến nhất cho guitar điện.

Hy vọng những chia sẻ trên của chúng tôi đã giúp bạn có được cái nhìn tổng quát và những kiến thức bổ ích về đàn guitar điện. 

Bài viết được quan tâm:

Bình luận

Bình luận
LIÊN HỆ
Chúng tôi sẽ giúp bạn tìm đúng giải pháp cho đam mê của bạn.
ĐĂNG KÝ NHẬN EMAIL CẬP NHẬT
Để lại email để nhận thông tin mới nhất.
Tôi đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân của mình.