Âm nhạc là một thứ ngôn ngữ kỳ diệu, không kể lể bằng lời nói, cũng không có những hình minh họa sống động, nhưng thông qua âm nhạc, chúng ta có thể tưởng tượng ra được, như cầm nắm được tất cả những vui buồn đã từng đi qua và lắng đọng lại trong cuộc đời này.
Đó là với người lớn, với những bậc làm cha làm mẹ, những người đang chai sạn dần những rung động với những điều kỳ diệu đến từ âm nhạc, còn con trẻ thì sao, não bộ của chúng như một tờ giấy trắng, tùy thuộc vào chúng ta viết gì, viết như thế nào lên đó để hình thành tính cách và rèn luyện nhân cách cho trẻ.
Nên, không ít, mà phải nói là hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn con mình thông thuộc một loại nhạc cụ nào đó, không mong con cái chúng ta trở thành một Beethoven thứ hai, mà chỉ với toan tính ích kỷ hẹp hòi duy nhất là,mang cho con một người bạn. Tuy nhiên không phải ai cũng biết chơi nhạc cụ, cũng hiểu rõ về những tác động của âm nhạc đến con trẻ, âm nhạc có thực sự tốt cho trẻ không?
Điều đầu tiên khi các bé học nhạc, chưa biết trẻ có thông minh hơn không,nhưng chắc chắn những bài học nhạc sẽ mang về cho trẻ sự kiên nhẫn tuyệt vời, học toán dễ dàng hơn và biết cách hoạt động giao lưu nhóm tốt hơn.
Ở những bài học nhạc đầu tiên, trẻ bắt buộc phải học nhịp và thang âm, khi học ở phần này tức là các em đang học cách phân chia các con số, nó mang về những kiến thức toán học căn bản, là tiền đề cho những môn số học trong chương trình học phổ thông.
Lynn Kleinner – Người sáng lập Music Rhapsody – Một trường học nhạc nổi tiếng ở California, Mỹ cho biết “ Khi học các bài hát theo độ khó tăng dần là cách rèn luyện trí nhớ từ ngắn hạn đến dài hạn cho trẻ, đây là kỹ năng sử dụng bộ nhớ để áp dụng vào các hoạt động khác một cách tốt hơn”.
Cũng theo như Mary Lew – Giáo viên âm nhạc lâu năm của Trường âm nhạc Neighborhood tại New Haven, Connecticut nói “ Các lớp học nhạc cũng là một lớp học Vật Lý cơ bản, khi trẻ chơi nhạc, độ rung của dây đàn, hoặc độ rung của mặt trống sẽ cung cấp cho trẻ điều kiện để khám phá những nguyên tắc khoa học gây ra hành động này”.
Không hề có môn âm nhạc nào dạy chúng ta nhảy nhót, vậy làm sao bọn trẻ có thể phát triển thể chất?
Đây chính là bí ẩn của âm nhạc, bởi để chơi được một loại nhạc cụ trẻ cần vận động, và phối hợp vận động rất nhiều mới có thể chơi thành thạo. Các bạn bé cần di chuyển ngón tay, cổ tay, cánh tay, bàn chân để có được tư thế chơi nhạc đúng và hoàn thiện.
Khi cố gắng hoàn thiện những kỹ năng chơi nhạc cụ, cũng sẽ góp phần lớn vào khả năng hoạt động của trẻ. Thực tế đã chứng minh, tất cả những người biết chơi nhạc cụ đều có thể khiêu vũ và chơi thể thao rất tốt, vì sự khéo léo của các hệ cơ, sự phối hợp hoạt động giữa chân tay và trí óc đã đạt đến sự hoàn chỉnh.
Vấn đề của trẻ em thời hiện đại chắc chắn không cần chúng tôi đưa ra để các bạn có thể nhìn rõ hơn, mà điều chúng ta cần tìm kiếm là cách uốn nắn nhân cách mỗi ngày cho trẻ.
Với những bài học nốt nhạc nhàm chán sẽ dạy trẻ tính kiên nhẫn, tập trung cao độ, với mỗi bài tập về nhà là 10’, mỗi bài tập trên lớp ít nhất 30’, những yêu cầu của các bài học nhạc sẽ dạy trẻ cách kiên nhẫn nhiều giờ, nhiều ngày, thậm chí là nhiều năm cho một mục tiêu nhất định. Tâm tính này chắc chắn cũng sẽ áp dụng được cho trẻ khi làm bất cứ công việc gì cần đến sự tỉ mỉ và cẩn thận.
Nhất là trong các bài tập hòa tấu, bài tập hòa tấu là một hoạt động nhóm, mọi nhiệm vụ được phân chia cụ thể, trẻ cần phải tập trung lắng nghe và kiên nhẫn chờ tới lượt mình chơi. Trong khi chờ đợi, trẻ cũng sẽ học được cách quan sát các bạn làm việc và tôn trọng việc làm của bạn, kiên nhẫn, im lặng, hợp tác và hiểu rõ vai trò của mình trong một tập thể.
Những kỹ năng xã hội quý báu như vừa nêu đã có thể phần nào thuyết phục được ba mẹ cho trẻ học nhạc chưa? Nếu chưa thì chúng ta cùng tìm hiểu tiếp, để củng cố thêm về niềm tin Âm nhạc là điều tuyệt vời dành cho trẻ.
Con người không ai hoàn hảo, nhưng là cha mẹ, đôi khi chúng ta lại mong con hoàn hảo theo cách của mình, không hẳn vậy là sai, nhưng hãy để âm nhạc dẫn đường theo một cách yêu thương nhất. Khi con học nhạc, chắc chắn sẽ gặp những vấn đề và mắc sai lầm, những lời chỉ dẫn có thể đưa ra đúng lúc để trẻ thấy ai cũng có thể mắc sai lầm, điều quan trọng là biết cách sửa chữa nó theo một hướng tích cực. Khi sự tiến bộ đủ lớn, đứa trẻ tin vào bản thân mình hơn, sẽ lớn lên cùng với sự chưa hoàn hảo nhưng liên tục sửa chữa, như những lần chơi nhầm nốt nhạc để mỗi ngày một hoàn thiện hơn.
Khẳng định khi trẻ học guitar, các em có thể tìm hiểu cả về phong cách nhạc cổ điển, lẫn hiện đại, từ những bài hát quen thuộc như Chú voi con ở Bản Đôn đến cách chơi bài hát Baby Shark. Hoặc giả như trẻ học Piano, các em có thể làm quen với một loạt phong cách từ Cổ điển, đến Jazz, Pop…
Điều quan trọng ở đây không phải là trẻ chơi được nhiều thể loại nhạc, mà thông qua các thể lọai âm nhạc được làm quen sẽ thúc đẩy sự cởi mở về thế giới bên ngoài, vượt qua biên giới, vượt qua những nền văn hóa truyền thống mà chúng biết, mang đến sự tò mò khám phá, mở đầu cho một cuộc sống đầy màu sắc sau này.
Đến đây chắc hẳn rất nhiều phụ huynh mong mỏi con mình được học nhạc và học được một loại nhạc cụ, nhưng các bậc cha mẹ đã nghĩ đến nên cho trẻ học loại nhạc cụ nào chưa?
Trẻ nhỏ, thiên tính và ý thích cũng như tài năng chưa bộc lộ rõ ( trừ những trường hợp là thiên tài bẩm sinh), thì trẻ còn phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ khi quyết định theo đuổi một vấn đề nào đó một cách nghiêm túc và lâu dài. Vì vậy bạn nên xem xét các yếu tố sau đây trước khi đăng ký cho con học nhạc.
- Con bạn có hứng thú với nhạc cụ không?
- Có nên chọn loại nhạc cụ mang tính thách thức cao hay không?
- Điều kiện kinh tế của bạn có cho phép không?
- Chính bản thân bạn có thích nghe âm thanh nhạc cụ đó không?
Không có bất cứ chuyên gia hay giáo viên nào có thể khẳng định, loại nhạc cụ nào là tốt nhất cho trẻ. Nhưng với những tác dụng thực tế mà âm nhạc mang lại cho con người, đã được nhiều nhà khoa học lý giải với các công trình nghiên cứu mang tầm cỡ thế giới, thì nên chăng hãy cho trẻ đến một trường nhạc gần nhất để các bé làm quen???