Lịch sử không thể xác định chính xác thời gian niên kỷ nào âm nhạc đã khai sinh, cũng không chứng minh chính xác được âm nhạc bắt nguồn từ đâu và quá trình hình thành như thế nào.
Nhưng chắc chắn rằng âm nhạc đã có cùng với thời điểm con người xuất hiện, theo V. Va-xi-na Gro-xman “ âm nhạc có lời ca là loại hình lâu đời nhất của nghệ thuật âm nhạc, nó có cùng tuổi với tiếng nói loài người”.
Xem thêm: Nghệ thuật truyền thống Trung hoa sở hữu những nhạc cụ tuyệt đỉnh nào?
Âm nhạc tồn tại ở mọi thời đại, hiện hữu trong đời sống thường nhật của hết thảy các dân tộc trên thế giới. Nó ra đời từ cổ đại xa xưa, là một trong những phương tiện giao tiếp và hình thức sinh hoạt không thể thiếu của mọi dân tộc.
Âm nhạc gắn liền với mọi khoảnh khắc đời người, từ khi mới sinh ra cho đến khi giã từ cuộc sống. Khúc hát ru thủa nằm nôi của mẹ, những bài đồng dao khi thơ ấu, những bài hát giao duyên khi thành lứa kết đôi, những bài hát lao động sản xuất và cả những khúc hát tiễn đưa người về với cát bụi…
Đó là đối với mỗi cá nhân, đối với xã hội, âm nhạc là một hoạt động cộng đồng từ xóm thôn đến làng xã, đều luôn có âm nhạc hiện hữu. Từ xa xưa, để giúp nhau đạt hiệu quả trong đời sống lao động, vui chơi, giải trí với những câu hò, điệu hát mang ý nghĩa giáo dục tinh thần tập thể tương trợ, gắn bó với nhau, khích lệ nhau vượt qua những khó khăn. Để tăng thêm tình đoàn hết, âm nhạc còn vang lên trong những ngày hội làng, hội xóm, những ngày lễ Tết chung của cả dân tộc.
Tất cả những điều trên đã chứng minh, âm nhạc luôn đi theo dòng chảy cuộc sống của mỗi đời người và của cả một xã hội, cả lịch sử lâu dài của một dân tộc.
Âm nhạc là một hình thái biểu cảm cảm xúc của con người trong xã hội, cũng giống như hội họa biểu hiện cảm xúc bằng đường nét, hình khối và màu sắc, văn thơ bằng sức mạnh ngôn từ… thì âm nhạc thông qua âm thanh đặc trưng nói lên tất cả của đời sống con người: vui, buồn, hạnh phúc, trăn trở, ước mơ…
Và cũng chỉ có âm nhạc mới có thể mang đến những cảm xúc mãnh liệt, những sắc thái tình cảm tinh tế nhiều màu sắc, đưa con người trải qua hết từ tâm trạng này đến tâm trạng khác, mang sự phong phú đến cho tâm hồn con người bằng âm thanh.
Âm nhạc cũng là hơi thở của cuộc sống, cần thiết cho cuộc sống như không khí mang sự sống của mỗi người, chính vì vậy, âm nhạc có mặt ở khắp mọi nơi, khắp mọi chỗ và có ảnh hưởng đến nhiều mặt trong đời sống con người.
Rất nhiều nghiên cứu âm nhạc cho hay âm nhạc có tác dụng giúp trẻ em thông minh hơn. Một trong số đó là kết luận từ nghiên cứu của Bộ Giáo Dục Mỹ thực hiện trong 10 năm, với khoảng 25.000 trẻ cho thấy “ Các môn nghệ thuật, nhất là âm nhạc, đã giúp các em có những tiến bộ rõ rệt hơn trong các môn Toán, Lịch Sử, Địa Lý…”
Nghiên cứu mới nhất của Anne Blood và các đồng nghiệp ở Viện thần kinh trường Đại học Mc Gill (Montréal – Canada) khám phá ra rằng, những vùng trong não chịu sự tác động của âm nhạc rất khác so với quá trình cảm xúc và nhận thức đã biết.
Họ xác nhận sở thích âm nhạc cũng có chỗ đứng trong não, bằng kỹ thuật chụp ảnh, người ta ghi nhận những vùng chịu sự tác động của âm nhạc nằm phần lớn ở bán cầu não phải, phần giầu cảm xúc nhất và chiếm một vị trí riêng biệt trong vùng dành cho sự thể hiện các cảm xúc.
Âm nhạc giúp con người, nhất là thời thơ ấu đang phát triển mọi mặt văn, thể, mỹ, đức, trí… gieo vào lòng trẻ thơ những hình ảnh thần tiên kỳ diệu và những ước mơ trong sáng, cao đẹp, vun đắp tình người, tình mẹ con và tình gia đình.
Như vậy có thể thấy âm nhạc phổ rộng tính ứng dụng của nó trong mọi mặt đời sống con người, có vị trí quan trọng cả với mỗi cá nhân và cộng đồng. Trong cuộc sống xưa kia cha ông chúng ta đã không thể thiếu âm nhạc, vị thế âm nhạc của thời hiện đại càng ngày càng được nâng cao và trong tương lại, như một lẽ dĩ nhiên, âm nhạc càng ngày càng phát triển rực rỡ.
Bài viết được quan tâm: