Top 20 nhà soạn nhạc Cổ điển danh tiếng trên thế giới

01/11/2019 102144

Top 20 nhà soạn nhạc Cổ điển danh tiếng trên thế giới 

 

1. Johann Sebastian BACH

 

Johann Sebastian Bach (1685 – 1750)

 

Johann Sebastian Bach (1685 – 1750). Ông sinh tại Eisenach, Saxe-Eisenach, Đức. Ông được mệnh danh là “Chàng khổng lồ của nghệ thuật âm nhạc phương Tây”.

Được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc, có cha phụ trách âm nhạc cho toàn bộ thị trấn, còn các chú của ông đều hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Vì vậy mà ông được truyền đạt những kiến thức cơ bản về âm nhạc từ nhỏ. Ông được cả thế giới biết đến là một nhà soạn nhạc, nghệ sĩ organ vĩ cầm, đại hồ trong thời kì Baroque.

Trong các sáng tác âm nhạc, Johann Sebastian Bach đã đưa các kỹ thuật âm nhạc như đối điểm (counterpoint) và tẩu khúc (fugue) lên các trình độ cao nhất. Không có một lĩnh vực nào của nghệ thuật sáng tác âm nhạc mà Bach lại không cống hiến tài năng của mình. Khi ông viết cho clavexanh hay Oocgan, cho dàn nhạc hay hợp xướng, những bản nhạc chính biên, phát triển, biến tấu, chuyển biên trên giai điệu của chính mình hoặc những người đương thời – tất cả đều là những mẫu mực, đều là những viên ngọc quý giá.

Trong tác phẩm của mình, Bach là người biết tổng kết những thành tựu của nghệ thuật âm nhạc quá khứ và hiện tại, cả nhạc thế tục lẫn nhạc giáo hội, từ nhạc dân gian đến nhạc chuyên nghiệp. Vì thế toàn bộ tác phẩm âm nhạc của Bach là một cuốn từ điển sống về âm nhạc của Châu Âu các thế kỷ XVII – XVIII. Những tác phẩm của ông vẫn còn sống mãi cho đến thời điểm hiện nay như: Brandeburg Concertos, Mass cung Si thứ, The Well-Tempered Calvier... Năm 1750 ông qua đời nhưng ông vẫn luôn là một nhà soạn nhạc bất hủ còn sống mãi trong lòng người yêu âm nhạc thế giới.

2. Wolfgang Amadeus MOZART

Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791)

 

Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791) là một nhà soạn nhạc người Áo. Ông là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc. Cha của ông, Leopold là một nhà soạn nhạc, một giáo viên dạy violin và chỉ huy của một dàn nhạc giao hưởng địa phương.

Bắt đầu 3 tuổi ông đã bắt đầu bộc lộ năng khiểu về âm nhạc. Lúc 5 tuổi ông đã có thể soạn một bài độc tấu Piano. Ông soạn bản giao hưởng đầu tiên khi lên 9 và một vở nhạc kịch ở tuổi 12. Có một điều đặc biệt ở Mozart là ông chưa bao giờ đến trường. Ông đã học chữ và cả âm nhạc từ chính người cha của mình.

Mozart lđược mệnh danh là thiên tài của các thiên tài. Hầu hết các tác phẩm của ông chỉ nổi tiếng sau khi ông qua đời. Ông đã soạn hơn 40 bản giao hưởng. Một số bản là khúc dạo đầu của những vở nhạc kịch và kéo dài chỉ một vài phút, nhưng những bản khác là những tác phẩm âm nhạc thực sự với 4 phần và kéo dài trong nửa giờ. Bản giao hưởng cuối cùng và nổi tiếng nhất của ông là Nr. 41, có tên thường gọi là Jupiter.

Trong số 22 vở nhạc kịch của ông có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng trên toàn thế giới. The Marriage of Figaro (1786) và Don Giovanni (1787) là 2 vở nhạc kịch mà Mozart sáng tác bằng tiếng Ý. The Magic Flute có lẽ là vở nhạc kịch được viết bằng tiếng Đức nổi tiếng nhất của ông.

Mozart cũng soạn những tác phẩm âm nhạc nhẹ nhàng và du dương được gọi là các bản dạ khúc, những tác phẩm này thường được biểu diễn tại các buổi hòa nhạc ngoài trời. Trong đó tiêu biểu như bản dạ khúc “A Little Night Music”. Tính đến thời điểm ông mất, ông đã để lại cho đời hơn 600 tác phẩm âm nhạc bất hủ.

3. Ludwig van BEETHOVEN

Ludwig van Beethoven (1770 – 1827)

 

Ludwig van Beethoven (1770 – 1827) là một nhà soạn nhạc Cổ điển người Đức, nhưng phần lớn thời gian ông sống ở Viên và Áo. Ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc. Ông nội - Louis van Beethoven nhạc trưởng dàn nhạc cung đình Bonn. Bố - Johann van Beethoven lĩnh xướng cung đình Bonn. Gia đình Beethoven có 7 người anh em, nhưng cái nghèo và bệnh tật đã cướp đi 4 người em khi còn nhỏ tuổi.

Khi mới lên 8 tuổi Beethoven đã biểu hiện thần đồng về âm nhạc - chơi đàn piano. Năm 14 tuổi đã viết và biểu diễn thành công 3 bản sonata cho đàn piano. Năm 1787 (17 tuổi) tìm đến Viên (Áo) - thủ đô âm nhạc của thế giới hồi bấy giờ để hy vọng học hỏi người thầy Mozart.

Ông được mệnh danh là Thần sấm bất tử của cảm xúc và sức mạnh. Và ông cũng là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Là một Thiên tài âm nhạc nhưng cuộc sống của ông trải dài gian khổ. Hết nghèo túng đến bệnh tật nhưng ông đã vượt lên tất cả để chiến thắng số phận cay đắng của mình. Những năm tháng cuối đời lúc điếc, mù, lúc quằn quại trong đớn đau vẫn soạn nhạc. Có thể nói rằng ông đã cống hiến trọn đời mình cho nền âm nhạc thế giới.

Beethoven đã để lại một khối lượng sáng tác đồ sộ: 135 tác phẩm bao gồm các thể loại nhạc kịch (opera), nhạc múa (balett), 10 bản giao hưởng (symphony), nhạc thính phòng (camarazene), khúc cầu kinh (mise), song tấu (duo), tam tấu (trio), tứ tấu (kvartett), 15 bản sonata, tiền tấu, hát bè, phổ nhạc thơ...

4. Richard WAGNER

Richard Wagner (1813 - 1883)

 

Richard Wagner (1813 - 1883) là nhà soạn nhạc người Đức, chuyên về sáng tác các vở opera. Ông đã  để lại cho đời nhiều sáng tác bất hủ như Tannhauser, Lohengrin, Die Meistersinger von Nurnberg, Parsifal… và đặc biệt là album Der Ring des Nibelungen gồm bốn vở nhạc kịch. Đây cũng là bốn vở nhạc kịch nổi tiếng nhất trong lịch sử opera.

Richard Wagner có đến 7 vở opera dài nhất với thời lượng trung bình của mỗi vở là 3 giờ. Ông cũng chính là người đã sáng tạo ra Leitmotif - một giai điệu rất ngắn phù hợp với từng nhân vật, xúc cảm và phân cảnh trong tác phẩm.

Wagner đã cách mạng hóa nghệ thuật opera. Mọi người vẫn nói rằng, nghệ thuật làm phim có lẽ sẽ bị lùi lại 500 năm nếu không có Richard Wagner và tất cả các nhà viết nhạc phim, kể cả John Williams cũng đồng ý rằng Richard Wagner là viết nhà viết nhạc phim vĩ đại nhất trong lịch sử.

5. Franz Joseph HAYDN

Franz Joseph Haydn (1732 – 1809)

 

Franz Joseph Haydn (1732 – 1809), một đại diện xuất sắc cho âm nhạc nước Áo và âm nhạc cổ điển. Ông được công nhận là cha đẻ của dàn nhạc giao hưởng và tứ tấu đàn dây.

Franz Joseph Haydn là một nghệ sĩ violon, nhạc trưởng, và là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng trong lịch sử âm nhạc. Các tác phẩm của Haydn được biết đến với cấu trúc chặt chẽ, tươi sáng và du dương. Ông là đại diện nổi bật của âm nhạc cổ điển Vienna, cùng thời với các thiên tài âm nhạc Mozart và Beethoven.

sinh ra trong một gia đình nghèo gần biên giới Áo-Hung. Khi Haydn khoảng 5, 6 tuổi, ông được gửi đến nhà những người thân ở gần Heinburg và được huấn luyện trong dàn hợp xướng nhà thờ.

Năm 1740, George Roytel – giám đốc âm nhạc của nhà thờ Stephen ở Vienna – khi đi tới vùng nông thôn để chọn người tiếp nối sự nghiệp của mình, đã tình cờ gặp được Haydn. Roytel đưa Haydn đến Vienna, trong chín năm tiếp đó Haydn được học hát, piano và violin một cách bài bản hơn. Sau khi rời khỏi dàn hợp xướng, trải qua 10 năm gian khổ làm âm nhạc tự do, Haydn đã viết được bản tứ tấu đầu tiên và vở opera đầu tiên.

Ở tuổi 27, Haydn bắt đầu đảm nhiệm cương vị nhạc trưởng cho Hoàng tử Hungary Esterházy và kéo dài trong 30 năm. Haydn đã sáng tác tổng cộng 104 bản giao hưởng, 83 tứ tấu đàn dây, 52 bản sonata piano, 23 vở opera, 4 bộ thần kịch và nhiều bản concerto khác như: nhạc thính phòng, hợp khúc, khúc lễ Mi-sa (Thiên Chúa giáo…

Haydn đã mất không lâu sau khi Napoléon chiếm được Vienna. Trong vài năm cuối đời sống cùng bệnh tật của mình, Haydn thường tấu bản ca ngợi quốc vương nước Áo (Osterreichische Kaiserhymnen) để tự làm phấn chấn tinh thần. Khúc nhạc này được sáng tác vào năm 1797 với sự nhiệt huyết của một người yêu nước.

6. Johannes BRAHMS

Johannes BRAHMS (1833 – 1897)

 

Johannes BRAHMS (1833 – 1897) là nhà soạn nhạc giao hưởng thuần khiết nhất và nhạc sĩ viết ca khúc hàng đầu của Đức. Các tác phẩm của ông được xếp vào chủ nghĩa lãng mạn (romanticism).

Ông là một nghệ sĩ dương cầm điêu luyện và đã từng làm việc với một số nghệ sĩ hàng đầu như Clara Schumann và nghệ sĩ vĩ cầm Joseph Joachim. Brahms là một người kiên quyết theo chủ nghĩa cầu toàn, cho nên ông đã tự hủy và không công bố rất nhiều tác phẩm của mình.

Các sáng tác của Brahms bao hàm cả những chất liệu truyền thống lẫn sáng tạo. Âm nhạc của ông có cấu trúc và kỹ thuật bắt nguồn từ các bậc thầy Baroque và nhạc cổ điển. Âm nhạc của Johannes Brahms, với vẻ đẹp hình thức hoàn hảo và sự dung dị sâu sắc của tâm hồn. Ông là người tiếp nối các truyền thống hiện thực cổ điển và “làm giàu” chúng bằng những thành tựu của chủ nghĩa lãng mạn Đức. Âm nhạc của Johannes Brahms vừa đầy chất triết học trữ tình đặc trưng của Bach vừa mang những hình tượng âm nhạc hoành tráng và bạo liệt theo tinh thần Beethoven, nhưng cũng đậm nỗi lo âu về số phận của con người hiện đại.

Một số tác phẩm nổi bật:

Intermezzo, Op. 116, No. 4; Intermezzo, Op. 76, No. 7; Wondrous Cool; Double Concerto in A minor, 2nd movement; Double Concerto in A minor, 3rd movement; Cello Sonata in F, Op. 99, 1st movement; Cello Sonata in F, Op. 99, 2nd movement; Cello Sonata in F, Op. 99, 3rd movement; Cello Sonata in F, Op. 99, 4th movement.

Ngoài ra Brahms đã soạn một số công trình lớn cho dàn nhạc giao hưởng, bao gồm hai bản mộ khúc (serenade), bốn bản giao hưởng (symphony), bản concerto dành cho đàn piano số 2 (số 1 là viết trên cung Rê thứ, số 2 là viết trên cung Si giáng trưởng), một concerto cho đàn violon, một concerto đôi dành cho đàn violin và cello, và 2 concerto overture: Academic Festival Overture và Tragic Overture.

7. Franz SCHUBERT 

 

Franz Schubert (1791 – 1828)

 

Franz Schubert (1791 – 1828) là một nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo. Ông sở hữu khả năng thiên phú về âm nhạc và là bậc thầy về kết cấu của giai điệu và ca từ.

Schubert nhận được những bài học giáo dục về âm nhạc đầu tiên ở chính ngôi nhà của mình. Năm 6 tuổi, ông bắt đầu học piano. Năm 8 tuổi, ông tham gia một lớp học đàn violin. Sau đó, Schubert được thụ giáo tại giáo xứ Michael Holzer. Tại đây ông được dạy học hát và những lý thuyết âm nhạc. Năm 11 tuổi, Schubert bắt đầu tham gia hát và chơi violin trong nhà thờ giáo xứ.

Vào tháng 10 năm 1808, Schubert được gửi đến trường nội trú Convent City School tại Vienna để học thêm các khóa âm nhạc khác.

Trong thời gian này, Schuber đã sáng tác một số tác phẩm, bao gồm bài hát đầu tiên của ông là “Bài hát buồn của Krasng”. Năm 1813, khi 16 tuổi, Schubert đang theo học một ngôi trường bình thường và sau đó đến học tại ngôi trường nơi cha ông đang làm giáo viên. Vào năm 18 tuổi, vào một buổi chiều, khi Schubert tình cờ đọc được bài thơ “Erlkonig” (Vị chúa tể của rừng) của Goethe, ông đột nhiên cảm thấy bị xúc động mạnh. Chỉ một giờ sau, bài “Erlkonig” nổi tiếng thế giới đã ra đời. Bài hát này ngay lập tức gây chấn động thành Vienna. Kể từ đó, Schubert chính thức bắt tay vào con đường sáng tạo âm nhạc.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Piano Quintet (Ngũ tấu Piano). Ngoài ra, ông cũng sáng tác các bản mass (nhạc cho lễ Misa), 9 bản giao hưởng, các bản sonata, ballet, tứ tấu đàn dây và các vở opera. Trong suốt 16 năm sự nghiệp của mình, ông đã để lại cho nhân loại khoảng 650 tác phẩm.

8. Robert SCHUMANN 

 

Robert Schumann (1810 – 1856)

 

Robert Schumann (1810 – 1856) là một nhà soạn nhạc và phê bình âm nhạc nổi tiếng của Đức. Sáng tác âm nhạc của ông là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc thế giới thế kỷ XIX.

R. Schumann bắt đầu sáng tác âm nhạc từ năm lên 7 tuổi, nhưng cậu bé cũng sớm thể hiện một tài năng đặc biệt qua các buổi biểu diễn đàn piano. Bên cạnh đó, tình yêu đối với văn học luôn chiếm một vị trí to lớn trong sự phát triển tâm hồn của nhà soạn nhạc tương lai. Tác phẩm của nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng thế giới như W. Goethe (Wolfgang von Goethe, 1749-1832), F. Siller (Friedrich Schiller, 1759-1805), L. Bairơn (Lord Byron, 1788-1824) đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong suốt cuộc đời cậu.

Năm 1830, lần đầu tiên Robert Schumann được nghe Niccolo Paganini biểu diễn. Những ấn tượng mạnh mẽ được tạo bởi tiếng đàn của người nghệ sĩ thiên tài Niccolo Paganini đã làm thức tỉnh những tư duy mới lạ của Schumann về nghệ thuật biểu diễn piano.

Năm 1834, cùng sự tham gia của nhiều người bạn (L. Sunke. Iu. Knopp, Friedrich Wiek) Schumann đã thành lập “Tạp chí Âm nhạc mới”. Từ năm 1840 ông dồn sức cho sáng tác ca khúc nghệ thuật. Trong một thời gian ngắn Schumann đã sáng tác hơn 130 ca khúc. Trong đó có các Tuyển tập và Liên khúc xuất sắc như: Vòng quanh các bài hát trên lời thơ của Hainơ; Vòng quanh các bài hát trên lời thơ của Eichendorff; Tình yêu và cuộc đời người đàn bà” trên lời thơ của Samisso; Tình yêu của người thi sĩ” trên lời thơ của Hainơ.

Năm 1842 là sự ra đời của hàng loạt các tác phẩm thuộc thể loại âm nhạc thính phòng: 3 Tứ tấu cho đàn dây, Tứ tấu piano (Tứ tấu có sự tham gia của đàn piano), Ngũ tấu piano (Ngũ tấu có sự tham gia của piano). Bắt đầu từ năm 1848 Robert Schumann sáng tác âm nhạc thuộc thể loại hợp xướng theo tinh thần dân tộc Đức. Vào đầu năm 1854, bệnh tình của Robert Schumann bước vào giai đoạn trầm trọng. Ông đã qua đời ngày 29 tháng 7 năm 1856 tại thành phố nhỏ Endenich gần thành phố Bonn (Đức).

Một số tác phẩm âm nhạc bất hủ ông đã để lại cho đời:

I. Tác phẩm cho piano (tất cả khoảng 50 tập):

  • Các biến tấu "Abegg" op.1 (1830)
  • "Những con bướm" op.2 (1829-1831)
  • "Hội hoá trang" op.9 (1834-1835)
  • "Các etude giao hưởng" op.13 (1834-1852)

II. Giao hưởng:

  • Giao hưởng số 1 "Mùa xuân" B-dur, op.38 (1841)

  • Giao hưởng số 2 C-dur op.61 (1846)
  • Giao hưởng số 3 Es-dur op.97 (1850)
  • Giao hưởng số 4 d-moll op.120 (1841-1851)

9. George Frideric HANDEL 

George Frideric Handel (1685 – 1759)

 

George Frideric Handel (1685 – 1759) nhạc sĩ vĩ đại người Đức. Ông được mệnh danh là người tạo giai điệu đẹp nhất thời Baroque và là Thiên tài về thể loại oratorio.

Năm 12 tuổi ôngi được chọn làm phụ tá cho một vị nhạc trưởng của Thánh Đường Halle. Sau đó được nhận vào học trường âm nhạc ở Hamburg, khả năng của Handel càng có cơ phát lộ. Đặc biệt, năm 21 tuổi, qua Ý và được tiếp xúc với nhiều nhân vật kỳ tài về âm nhạc ở xứ sở này, Handel đã có những bước trưởng thành vượt bậc.

Trong thời gian tu nghiệp tại Ý, Handel đã chịu ảnh hưởng nhiều bởi âm nhạc Baroque và trở thành một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của thời kỳ âm nhạc Baroque. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, Handel có chuyến thăm Anh. Nhờ viết được một vở opera cho Nữ hoàng Anh trong vẻn vẹn 14 ngày, Handel được Nữ hoàng quý trọng và có những chế độ biệt đãi. Chính cách xử sự ấy đã khiến sau khi về Đức, hai năm sau Handel quyết định trở lại nước Anh tạm cư và 15 năm sau thì ông trở thành công dân Anh thứ thiệt.

Từ năm 1836, Handel bắt đầu sáng tác những bản hợp xướng tiếng Anh. Và sau thành công với vở nhạc kịch “Messiah” (Đấng Cứu Thế, 1842) thì Hamdel không bao giờ trình diễn nhạc opera Ý nữa mà tập trung làm nhạc tiếng Anh thuần túy.

Di sản âm nhạc mà Handel để lại khá đồ sộ. Ông đã sáng tác hơn 42 vở opera, 20 bản oratorio, hơn 120 bản cantata, tam tấu và song tấu, nhiều bản aria, nhạc thính phòng, nhạc tôn giáo, 16 bản concerto organ…Trong đó, nổi tiếng nhất vẫn là vở nhạc kịch “Messiah” – một trong những bài Thánh Ca nổi tiếng mà chúng ta thường nghe trong mùa Giáng Sinh.

Tháng 8 năm 1750, trên chuyến xe ngựa từ Hà Lan về Anh, Handel đã bị chấn thương nặng sau một vụ tai nạn. Năm 1851, ông gần như sống trong cảnh mù lòa. Thiên tài âm nhạc George Frideric Handel đã qua đời ngày 14/4/1759, hưởng thọ 74 tuổi. Tang lễ của ông được cử hành trọng thể, với sự tham dự của hơn ba ngàn người. Thi hài ông được an táng tại Điện Westminster, là nơi được dành cho các bậc vua chúa, vĩ nhân của nước Anh.

10. Peter Ilyitch TCHAIKOVSKY

 

Pyotr Ilyich Tchaikovsky (1840 – 1893)

 

Pyotr Ilyich Tchaikovsky (1840 – 1893) là nhà soạn nhạc hàng đầu của Nga và bậc thầy về giai điệu. Tchaikovsky không những là nhạc sĩ Nga vĩ đại mà còn là nhạc sĩ lớn thế giới. Hoạt động âm nhạc chính là ở Moscow. Sáng tác nhiều thể loại thành công như giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch, nhạc thính phòng, hoà tấu, romance.

Ông rất yêu thích và có năng khiếu về âm nhạc từ nhỏ nhưng bố mẹ không muốn cho con theo con đường nghệ thuật nên gửi Tchaikovsky đến Petersburg để học ở trường Trung cấp luật ( từ năm 1850-1859).

Trong thời gian này cậu bé say mê học âm nhạc. Theo lời khuyên của A.Rubinsten, Tchaikovsky’s bỏ nghề luật và thi vào nhạc viện Petersburg (1862).

Sau ba năm học tập, Tchaikovsky’s tốt nghiệp với huy chương bạc và trở về hoạt động ở Moscow rồi trở thành giáo sư của nhạc viện thành phố (1865). Tchaikovsky hoạt động âm nhạc rất hăng say trong lĩnh vực sáng tác, lý luận, giáo dục…Trong khoảng 12 năm (từ 1865-1877) ông đã sáng tác nhiều tác phẩm.

Năm 1878 hòan thành bản giao hưởng số 4 và nhạc kịch “Eugene Onegin”. Giữa những năm 80, ông tham gia hoạt động với tư cách là nhạc trưởng, biễu diễn khắp nơi trong và ngoài nước. Năm 1893 ông được tặng học vị tiến sĩ của trường đại học tổng hợp Cambrigde ở Anh. Tchaikovsky mất ngày 25/10/1893 ở Petersburg sau một tuần lễ chỉ huy bản giao hưởng cuối cùng của mình.

11. Felix Bartholdy MENDELSSOHN

Felix Bartholdy MENDELSSOHN (1809 – 1847)

 

Felix Bartholdy MENDELSSOHN (1809 – 1847) là một thần đồng âm nhạc, một nghệ sĩ piano xuất sắc, một nhạc sĩ vĩ đại. Ông là cháu nội của nhà triết học nổi tiếng thế kỷ XVIII Moses Mendelssohn, Felix được sống trong một gia đình khá giả và có nền giáo dục rất tốt (bố cậu, ông Abraham là chủ ngân hàng miền Bắc nước Đức).

Do rất sung túc về kinh tế nên gia đình Mendelssohn thường xuyên tổ chức các hoạt động âm nhạc tại nhà riêng. Điều này đã giúp cho tài năng thiên bẩm của Felix được bộc lộ từ rất sớm. Ông được mẹ, bà Leah Solomon dạy cho những bài tập piano đầu tiên khi 6 tuổi, đến 7 tuổi đi học ở Berlin với thầy giáo Ludwig Berger dạy piano và Karl Zelter dạy sáng tác – cả hai đều là người rất nổi tiếng thời bấy giờ.

9 tuổi cậu bé đã có buổi biểu diễn piano trước công chúng, 11 tuổi đã có những tác phẩm đầu tay. Được sự hậu thuẫn lớn từ gia đình cả về vật chất lẫn tinh thần (điều rất hiếm đối với nhiều nhạc sĩ khác) Mendelssohn hoàn toàn chuyên tâm vào việc biểu diễn piano và sáng tác. Ngoài ra cậu còn bộc lộ năng khiếu hội hoạ của mình qua các bức tranh màu nước. Khi Mendelssohn 12 tuổi, cậu bé được Zelter dẫn đến gặp nhà thơ vĩ đại Johann Wolfgang von Goethe.

Gia đình thường xuyên thuê các nhóm nhạc về nhà để trình diễn các tác phẩm của Mendelssohn, chính điều này đã tạo diều kiện để cậu có những đánh giá chính xác hơn về các tác phẩm của mình. Từ năm 11 đến 15 tuổi Mendelssohn sáng tác 13 bản giao hưởng cho dàn dây và bản giao hưởng số 1 giọng Đô thứ, Op. 11. 16 tuổi, chàng trai trẻ hoàn thành một tác phẩm thính phòng xuất sắc: bản octet (bát tấu) cho dàn dây giọng Mi giáng trưởng, Op. 20 (cho 4 violin, 2 viola, 2 cello) và đã bắt đầu gây được sự chú ý. Lục lọi trong thư viện của Goethe, tình cờ Mendelssohn bắt gặp vở kịch Giấc mộng đêm hè của Shakespeare và thế là năm 1826.

Khi mới 17 tuổi, tác phẩm lớn đầu tiên của Mendelssohn: bản Overture “A Midsummer Night’s Dream” Op. 21 (Giấc mộng đêm hè) ra đời và đạt được những thành công vang dội.

Theo học lịch sử và triết học (với Georg Friedrich Hegel) tại đại học Berlin từ năm 1826 đến năm 1829, Mendelssohn càng có điều kiện tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích cho công việc sáng tác của mình. Kể từ đó con đường hoạt động nghệ thuật của Mendelssohn luôn được trải đầy hoa hồng.

12. Antonin Dvorak 

 

Antonin Dvorak (1841 – 1904) 

 

Antonin Dvorak (1841 – 1904) là nhà soạn nhạc đứng đầu số 3 nhạc sĩ Sez có tên trong danh sách này; sáng tạo giai điệu tuyệt vời. Học hết tiểu học, khi mới 12 tuổi Antonin được gửi đến Zlonice để học tiếng Đức theo mong muốn của cha để sau này nối nghiệp ông làm chủ quán trọ. Chính người thầy tốt bụng Antonin Liehmann đã phát hiện ra tài năng của Antonin và dạy cho cậu không chỉ tiếng Đức mà còn cả viola, organ, và piano đồng thời thuyết phục cha cậu để Antonin đi theo con đường âm nhạc.

Dvorak hoàn thành việc học ở Prague Organ School vào năm 1859 và tham gia nhóm hòa tấu Komzak. Sau đó ông tham gia vào Prague Provisional Theatre Orchestra với tư cách bè trưởng bè viola. Dvorak làm việc ở đây trong 7 năm và trong những năm đầu mà Dvorak chơi ở dàn nhạc này, người nhạc trưởng không phải ai khác mà chính là Bedrich Smetana, nhà soạn nhạc danh tiếng của dân tộc Czech.

Vào đầu những năm 1860, Dvorak bắt đầu sáng tác. Đầu những năm 1870, những tác phẩm của Dvorak đã trở nên nổi tiếng ở Prague. Trong đó ta có thể kể đến những tác phẩm như vở opera đầu tiên Alfred (1870) hay Giao hưởng số 3 giọng Mi giáng trưởng Op, 10 (1873), tác phẩm giành chiến thắng trong cuộc thi Austrian State Stipendium vào năm 1875. Chính những thành công này đã khiến ông từ bỏ việc chơi viola trong dàn nhạc để có thời gian tập trung vào công việc sáng tác.

Tên tuổi của Dvorak bắt đầu nổi lên ở Anh, đặc biệt là với bản cantata “Stabat Mater” của ông. Năm 1884, Dvorak được mời sang Anh để chỉ huy tác phẩm “Stabat Mater”. Ống sống tại đây cho đến tận năm 1891. Tại đây ông sáng tác rất nhiều tác phẩm cho thành phố Birmingham như cantata “The Spectre’s Bride” (1884) và Requiem Mass (1890); oratorio “St. Ludmilla cho thành phố Leeds” (1886) cũng như Giao hưởng số 7 giọng Rê thứ, Op. 70 (1885) và Giao hưởng số 8 giọng Son trưởng, Op, 88 (1888) cho Royal Philharmonic Society. Năm 1891, đại học danh tiếng Cambridge đã trao cho ông bằng tiến sĩ danh dự về âm nhạc.

Trong thời gian sinh sống và làm việc tại Mỹ ông đã cho ra đời bản Giao hưởng số 9 giọng Mi thứ, Op.95 “Từ Thế giới mới” (1893), Tứ tấu đàn dây số 12 giọng Fa trưởng, Op, 96 “The American” (1893), Concerto cho Cello và dàn nhạc giọng Si thứ, Op.104 (1895). Trong những năm cuối đời, Antonin Dvorak vẫn miệt mài sáng tác, cho ra đời nhiều tác phẩm, trong đó có vở opera Rusalka nổi tiếng (1900).

Âm nhạc của Antonin Dvorak  giàu tính giai điệu, phong phú về cảm xúc và ở trình độ thẩm mỹ cao. Antonin Dvorak là một nhà soạn nhạc xuất sắc và toàn diện trong rất nhiều những thể loại, ông có nhiều giao hưởng nổi tiếng và được giới chuyên môn đánh giá rất cao như Giao hưởng số 5, số 7, số 8 và đặc biệt là Giao hưởng số 9 “From the new world”.

13. Franz LISZT 

Franz Liszt (1811 – 1886)

 

Franz Liszt (1811 – 1886), là nhà soạn nhạc nổi tiếng người Hungary. Ông được mệnh danh là nghệ sĩ piano hay nhất và là người sáng tạo ra thể loại Thơ giao hưởng.

Cuộc đời nghệ thuật của Franz Liszt trải qua nhiều thăng trầm, biến động. Nó chỉ thực sự bước sang một trang mới vào quãng năm 1830 và 1832. Vào cuối năm 1830, Liszt gặp nhà soạn nhạc Pháp Hector Berlioz lần đầu trong buổi ra mắt bản giao hưởng đầu tiên, “Symphonie fantastique” (bản giao hưởng Hoang tưởng) của Berlioz.

Năm 1848 Liszt đến Weimar. Đây là thời kỳ sáng chói trong sự nghiệp sáng tác của ông. Chính khu làng Đức cổ tại Weimar, Liszt đã nghiền ngẫm thể loại giao hưởng thơ. Một hình thức âm nhạc mới được thiết lập và xô đổ bức tường của chủ nghĩa cổ điển.  Trong giai đoạn cuối của cuộc đời mình, Liszt còn làm được nhiều việc có ý nghĩa. Năm 1869, Liszt trở về Weimar sau 8 năm sống ở Roma và mở trường dạy piano. Hai năm sau, Liszt cũng mở Học viện âm nhạc hoàng gia ở Budapest.

Liszt đã viết ra hơn 700 bản nhạc trong cuộc đời và tạo ra một thể loại âm nhạc thơ ca giao hưởng. Liszt là một nhà sáng tạo âm nhạc tuyệt vời, ông đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện địa vị của các nhà âm nhạc và thúc đẩy phong cách âm nhạc lịch sử tới các học sinh sau này.

14. Frédéric CHOPIN 

Chopin (1810 – 1849)

 

Chopin (1810 – 1849) là nhà soạn nhạc danh tiếng đến từ Ba Lan, ông thành danh từ khi chỉ là một đứa trẻ. Ông được mệnh danh là Ngài Piano. Khi 6 tuổi, một đêm không ngủ, cậu bé Chopin đã lén vào phòng của mẹ để đụng tay vào những phím đàn. Lên 7 tuổi, cậu bé đã có thể công bố nhạc khúc đầu tay “Vũ khúc Ba Lan” nổi tiếng toàn thế giới.

Năm lên 8 tuổi Chopin đã diễn tấu trước công chúng bản Concerto viết cho piano của Adalbart Gyrowetz và bắt đầu viết được những bản Polonaises, Mazurka và một bản Waltzes. 15 tuổi nhạc sĩ xuất bản điệp khúc viết cho Piano (Rondo for Piano)…

Tuổi thơ nổi tiếng cùng với tài năng của ông được khẳng định bằng những buổi biểu diễn tại các phòng nhạc hoàng gia dành cho giới quý tộc tại Ba Lan. Chopin cũng khẳng định tên tuổi của mình theo năm tháng bằng những buổi biểu diễn tại các thành phố lớn của Châu Âu như Vienna, Munich và Salzburg.

15. Igor STRAVINSKY

Igor STRAVINSKY (1882 – 1971)

 

Igor STRAVINSKY (1882 – 1971) là nhà soạn nhạc hay nhất của thế kỷ XX và dẫn đầu nhóm nhạc sĩ Tiền phong (Avant-Garde) tại Nga. Ông còn được biết đến là một nghệ sĩ piano và chỉ huy dàn nhạc có tiếng. Các sáng tác của ông có tính sâu sắc và tính chất bao quát rộng lớn.

Igor Fyodorovich Stravinsky là con trai thứ hai của ông Fyodor Ignat’yevich Stravinsky, một nghệ sỹ giọng bass nổi tiếng của nhà hát Opera Hoàng gia St Peterburg.  Igor được dạy piano từ rất nhỏ và đã gắn bó với piano đến tận cuối đời đến nỗi ông không thể sáng tác mà lại thiếu đi cây đàn này.

Âm nhạc của Stravinsky nổi bật ở sự sắc sảo và tinh tế của ý đồ sáng tác, sự độc đáo của các thủ pháp, tính chất cân đối cô đọng và hợp lý của cấu trúc, tài nghệ điêu luyện trong phối khí. Ông sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị, từ những etude piano, 3 giao hưởng, tác phẩm cho hát với dàn nhạc, nhạc kịch… nhưng nổi bật nhất là sáng tác vũ kịch.

16. Hector BERLIOZ 

Hector Berlioz (1803 – 1869)

 

Hector Berlioz (1803 – 1869) là một hiện tượng vô cùng đặc biệt trong lịch sử âm nhạc. Ông được xem là chuyên gia về thể loại tranh giao hưởng. Là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất nhưng Berlioz lại không biết chơi piano.

Trung thành tuyệt đối với các tác phẩm âm nhạc có tiêu đề, Berlioz là cây cầu nối giữa các tác giả thuộc trường phái cổ điển Vienna với các nhạc sĩ sau này, đặc biệt là Liszt.

Sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông tại Grenoble, Berlioz chuyển đến Paris khi 18 tuổi. Đến năm 1822, ông quyết định bỏ trường y và theo học nhạc với Jean – Francois Lesueur với quyết tâm trở thành nhà phê bình âm nhạc. Các sáng tác đầu tiên của Berlioz ra đời vào năm 1825. Một bản Mass mà ông tự bỏ phí tổn để biểu diễn tại Nhà thờ thánh Rocco đã khiến giới phê bình khá hài lòng. Tiếp theo đó là vở opera Lénor ou Les Francs Juges.

Ông tham gia cuộc thi Prix de Rome lần đầu tiên vào năm 1826 nhưng không lọt vào vòng chung kết. Năm 1827 Ông lại tham gia cuộc thi Prix de Rome và lọt vào vòng cuối cùng với bản cantata La mort d’Orphée (Cái chết của Orphée). Năm 1830 ông cũng giành được giải Prix de Rome sau 5 lần thử sức.

Năm 1834, Berlioz hoàn thành tác phẩm Harold en Italie (Harold ở nước Ý), trong đó phần viola độc tấu đặc biệt được dành riêng cho Paganini dù trên thực tế Paganini chưa bao giờ chơi tác phẩm này. Ba năm sau, năm 1837, tác phẩm Grande Messe des morts (thường được biết đến dưới tên Requiem) được viết cho dàn nhạc và dàn hợp xướng lớn khác thường ra đời. Cuộc sống của ông về sau có nhiều biến động, nhưng những sáng tác ông để lại cho đời trở thành những tác phẩm bất hủ và được đông đảo công chúng đón nhận.

17. Claude DEBUSSY 

 

Claude DEBUSSY (1862 – 1918)

 

Claude DEBUSSY (1862 – 1918) sinh ra tại Pháp. Ông là nhà soạn nhạc đầu tiên của trường phái Ấn tượng. Ông cũng nổi tiếng về ca khúc, nhạc cho piano và các tác phẩm dàn nhạc.

Từng được mệnh danh là "Claude de France", nhạc sĩ Claude Debussy là người mở đường cho trường phái âm nhạc hiện đại, mở ra một khung trời mới cho dòng jazz ở Châu Âu, là kho tàng vô tận cho rất nhiều thế hệ những tác giả soạn nhạc phim. Ông đã mở đường, đưa nghệ thuật sân khấu đến gần với công chúng một cách rộng rãi nhất. Nhưng nhạc của Debussy không thuộc dòng âm nhạc dễ dãi, cả với dàn nhạc lẫn người nghe.

Claude DEBUSSY là tên tuổi lớn trong nền âm nhạc châu Âu vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Ông đã để lại nhiều tác phẩm kinh điển cho âm nhạc Pháp thời kỳ này, chủ yếu là các bản giao hưởng, nhạc thính phòng và các bản solo piano.

18. Giacomo PUCCINI 

 

Giacomo Puccini (1858 – 1924)

 

Giacomo Puccini (1858 – 1924) sinh tại thành phố Lucca, Ông là bậc thầy của opera Ý thời “hậu Verdi”.  Năm 1880, Puccini hoàn thành khoá học tại học viện Pacini ở Lucca, cùng lúc ông hoàn thành xong tác phẩm Messa di Gloria.

Giacomo Puccini là nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc kịch nổi tiếng người Ý. Các sáng tác của ông theo trào lưu âm nhạc Tả chân trong nghệ thuật dân tộc Ý. Puccini được đánh giá là một trong những nhà soạn nhạc opera vĩ đại nhất của mọi thời đại cùng với Mozart, Verdi và Wagner.

Sáng tác của ông vừa thể hiện tính trữ tình, tính hiện thực, vừa thể hiện những tâm lý tinh tế, đồng thời kế thừa truyền thống nghệ thuật nhân đạo Ý. Phong cách âm nhạc giản đơn, linh hoạt nhưng đề cao giai điệu. Nhân vật trong nhạc kịch của ông thường là người phụ nữ với những đau khổ sâu sắc. Do vậy, Puccini thường lấy tên nhân vật nữ làm tên tác phẩm.

19. Georg TELEMANN 

Georg Phillipp Telemann (1681 – 1767)

 

Georg Phillipp Telemann (1681 – 1767) là bậc thầy của âm nhạc Baroque, người Đức với khoảng 3.000 tác phẩm.. Ông chủ yếu tự học nhạc, việc trở thành nhà soạn nhạc đã đi ngược lại với mong muốn của gia đình ông. Sau khi tu nghiệp tại Magdeburg, Zellerfeld và Hildesheim, Telemann bước vào đại học Leipzig để học luật. Nhưng sau cùng thì âm nhạc vẫn là sự nghiệp của ông.

Ông giữa vị trí quan trọng trong Leipzig, Zary, Eisenach và Frankfurt trước khi ổn định tại Hamburg vào năm 1721. Telemann là một trong những nhà soạn nhạc có nhiều sáng tác nhất. Ông cũng là một trong những nhà soạn nhạc đi đầu của Đức.

Âm nhạc của Telemann mang phong cách của Pháp, Ý và Ba Lan. Ông còn đi theo nhiều khuynh hướng mới, phong cách nhạc của ông là sự liên kết quan trọng giữa thời kì cuối Baroque và đầu thời kì Classical.

20. Anton BRUCKNER 

Anton BRUCKNER (1824 – 1896)

 

Anton BRUCKNER (1824 – 1896) là nhạc sĩ hàng thứ 6 trong số 7 nhạc sĩ giao hưởng của Vienne. Ông xuất thân là một thày giáo nghèo ở  một làng quê hẻo lánh. Bruckner đã là một nghệ sỹ organ khốn khổ trong nhiều năm ở Linz và Vienna. Ông chỉ được công nhận là một nhà giao hưởng tài năng trong những năm cuối cùng của cuộc đời.

Trên thực tế, 9 bản giao hưởng của Bruckner hầu như không chứa đựng yếu tố Wagnerian; về hình thức, chúng gần với âm nhạc của Beethoven và Brahms hơn là âm nhạc chương trình của phái Wagner, và cũng giống như giao hưởng Schubert, chúng chứa đầy những chất liệu lấy từ các điệu nhảy thôn quê.

Giao hưởng Bruckner đồ sộ, nhưng đẹp một cách huy hoàng, sử thi và lộng lẫy. Chúng ta có thể thấy trong các tác phẩm này sự kế thừa xuất sắc truyền thống lãng mạn Đức-Áo, với những giai điệu đẹp tuyệt vời, nồng ấm, chân thành và say đắm. Ngày nay, thế giới coi Bruckner, cùng với học trò của ông, Gustav Mahler là hai trong số những nhà giao hưởng vĩ đại nhất trong lịch sử.

(Nguồn: Tổng hợp)

 

Bài viết được quan tâm:

 

Bình luận

Bình luận
LIÊN HỆ
Chúng tôi sẽ giúp bạn tìm đúng giải pháp cho đam mê của bạn.
ĐĂNG KÝ NHẬN EMAIL CẬP NHẬT
Để lại email để nhận thông tin mới nhất.
Tôi đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân của mình.