Mozart tên đầy đủ là Wolfgang Amadeus Mozart, sinh ngày 27/1/1756 tại Salzburg, thuộc nước Áo ngày nay. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc, đã tác động rất nhiều đến tình yêu âm nhạc của ông.
Leopold Mozart – Cha của Mozart là một giáo viên và cũng là một nhà chơi đàn violon, đàn phong cầm nổi tiếng. Mẹ và chị gái của Mozart đều là những nhạc công giỏi. Tài năng âm nhạc của Mozart được phát hiện từ nhỏ. Trong đó tiêu biểu như năm ông lên 2 tuổi, sau khi nghe mẹ đánh đàn, ông đã có thể đánh lại ngay được bản nhạc ấy. Từ đó, thấy con trai mình có năng khiếu, cha của ông đã quyết định dạy Mozart những gì liên quan đến với âm nhạc.
Năm lên 4 tuổi, Mozart lại khiến cả nhà bất ngờ về tài năng của mình. Bởi ông đã thuộc lòng một bản khiêu vũ nhịp ba hay một khúc tam tấu chỉ trong nửa giờ đồng hồ. Chỉ trong một thời gian ngắn tìm hiểu về âm nhạc, Mozart đã tự mình sáng tác nhạc cho đàn piano, rồi những bản sonate cho đàn dương cầm. Tiếng vang về tài năng âm nhạc của ông nhanh chóng được lan rộng.
Năm lên 6 tuổi Mozart đã cùng cha và chị gái đi lưu diễn khắp Châu Âu. Khi biểu diễn, Mozart đã khiến người nghe như phát điên về tài năng của ông. Thậm chí, Hoàng đế Đức Francis I còn gọi Mozart là “thầy phù thủy bé nhỏ”. Năm 1766, gia đình Mozart kết thúc chuyến lưu diễn quay trở về Salzburg.
Năm 1769, Mozart lại theo cha đi biểu diễn ở Italy. Tại đây ông đã khiến các khán giả kinh ngạc về khả năng chỉ huy đàn violon, hát ứng tác cũng như trí nhớ kỳ lạ của mình. Với tài năng thiên bẩm đó, Mozart được phong làm Viện sỹ Viện Hàn lâm nghệ thuật Bôlông.
Nhờ theo cha đi diễn nhiều năm đã giúp Mozart có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền âm nhạc thế giới. bên cạnh đó trong các chuyến lưu diễn ông còn có cơ hội gặp gỡ các nghệ sĩ lừng danh, giúp ông tiếp thu được nhiều phong cách âm nhạc. Từ đó học hỏi và làm phong phú thêm phong cách âm nhạc của riêng mình. Vì vậy, trong âm nhạc của Mozart, người ta thường thấy sự kết tinh nét nhạc của nhiều quốc gia.
Khi theo đuổi nghệ thuật ông đã sáng tác không ngừng nghỉ để cống hiến cho đời những tác phẩm bất hủ. Trong cuộc đời 35 năm ngắn ngủi của mình, Mozart đã viết một số lượng tác phẩm khổng lồ, 626 tác phẩm bao gồm: 41 giao hưởng, 23 nhạc kịch, 25 bản concerto cho piano, 7 concerto cho violon, 17 sonata cho piano, 42 sonata violon, 15 mexa, hàng trăm bản nhạc thính phòng và ca khúc, trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như: sonata Piano A dur, concertos Piano d moll, bản giao hưởng số 39, 40, 41. Ngoài ra còn có nhiều ca khúc, nhiều bản song, tam, tứ, tấu, một số thanh xướng kịch trong đó nổi tiếng là tác phẩm "Cầu hồn".
Có thể nói rằng âm nhạc của Mozart là sự kết tinh tinh hoa văn hóa của nhân loại. Nó mang đến vẻ đẹp hoàn hảo, lạ kì. Các nốt nhạc của ông bao giờ cũng tạo cho người nghe một cảm giác hài hòa, cân đối. Vì vậy, nếu bạn có con nhỏ, hãy cho trẻ nghe nhạc Mozart thường xuyên để kích thích sự phát triển về trí tuệ và tâm hồ của trẻ.
Đặc biệt trong các tác phẩm nhạc kịch của mình, Mozart đã khéo léo kết hợp nền nhạc kịch dân tộc Đức với những yếu tố nhạc kịch Italy, đồng thời thể hiện nhiều quan niệm mới mẻ. Nó khiến người nghe phải rùng mình vì quá sâu sắc, quá xuất chúng.
Nói về thiên tài âm nhạc Mozart có rất nhiều nhận xét, nhưng chúng tôi xin mượn tạm nhận xét của ông Shostakovich: "Mozart - đó là tuổi thanh xuân của âm nhạc, là nguồn sống khi xuân về và là sự hài hòa của tâm hồn". Thật vậy, Mozart đã dành trọn thanh xuân của mình để cống hiến cho âm nhạc. Chính những nổ lức không ngừng nghỉ đó đã góp phần làm cho nền âm nhạc nhân loại phong phú và đa dạng hơn.