Phương Đông và phương Tây khác biệt về âm nhạc như thế nào? (Kỳ 1)

30/09/2019 12187

Thế giới rộng lớn luôn là một kho tàng đa dạng về văn hóa, tập quán, truyền thống. Đây thật sự là một thú vui vô tận đối với các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực dân tộc học, xã hội học. Trong đó nổi bật hơn cả là sự khác biệt giữa 2 nền văn hóa phương Đông và phương Tây, với sự khác biệt cơ bản về bản tính tâm lý, tư duy, lối sống, tập quán, truyền thống… Có thể coi đây là 2 cái nôi văn hóa - văn minh lớn nhất của nhân loại.

Văn minh phương Đông và phương Tây

Phương Tây luôn được nhắc đến là một trong những cái nôi văn hóa lớn nhất của nhân loại với nền văn minh La Mã - Hy Lạp cổ đại. Người phương Tây thường sống thiên về lí trí, đề cao năng lực phân tích và tính cá nhân. Văn minh Tây phương thực sự bắt nguồn từ Hy Lạp. Các thể chế, các kiểu tư duy, kể cả các kiểu tội phạm đều liên quan chủ nghĩa duy lý của tư tưởng Hy Lạp. Những người Hy Lạp không đón nhận thế giới trên sự tin cậy mà thay vào đó, họ đưa ra câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời. Trong khi đó văn minh La Mã được hình thành trên bán đảo Ý ở một dãi đất đất dài và hẹp giống hình chiếc ủng vươn dài từ lục địa ra biển địa trung hải. Người La Mã không chỉ kế thừa nền văn minh của người Hy Lạp thời cổ đại mà còn có những đóng góp đáng kể, tạo thành nền văn minh đặc sắc riêng của mình.

Xét về vùng lãnh thổ, phương Đông ngày nay được hiểu là khu vực bao phủ toàn bộ châu Á và phần Đông Bắc châu Phi. Nói đến phương Đông, người ta không thể không nhắc đến những nền văn minh nổi tiếng như Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Arập, Trung Hoa. Tóm lại, phương Đông là một khu vực văn minh có “bản sắc” riêng cả về phương diện truyền thống lẫn hiện đại. Ngày nay, xét trên nhiều góc độ như lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hoá,... phương Đông chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử thế giới. Người phương Đông thường có cách cư xử nặng về tình cảm, đề cao tính cộng đồng và tập thể. Tiêu biểu nhất cho văn minh phương Đông chính là 2 cái nôi ở Trung Hoa và Ấn Độ mà nền văn hoá - văn minh này thậm chí còn mang tính cổ xưa hơn cả văn minh phương Tây. Sự khác biệt ấy được thể hiện hầu như ở mọi phương diện đời sống xã hội, trong đó có văn hóa, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng.

Khác biệt về âm nhạc

Xét về tầm ảnh hưởng của nền văn minh thì Trung Hoa và Ấn Độ, trong đó có văn hoá âm nhạc, đã chi phối, ảnh hưởng trực tiếp đến các nước trong khu vực và nhiều nước khác trên thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc đã khẳng định bằng cả lý luận và thực tiễn rằng, âm nhạc Phương Đông nói chung, âm nhạc Trung Hoa - Ấn Độ nói riêng có những nét đặc sắc, thậm chí còn bao trùm các nước khác. Mặc dù vậy nền âm nhạc phương Tây từ lâu cũng đã được định hình và đạt được nhiều thành tựu to lớn về hệ thống lý luận âm nhạc, về phong cách sáng tác, phong cách biểu diễn, các thể chế tổ chức và diễn tấu (chẳng hạn như những qui định trong biên chế dàn nhạc, sự phân loại và sử dụng các loại giọng…).

Phương Tây luôn dựa trên cơ sở khoa học để đề xướng các lý thuyết cơ bản về âm nhạc và được phổ biến rộng khắp trên toàn thế giới. Đồng thời, nó chi phối, ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ đến nghệ thuật âm nhạc của nhiều nước, kể cả các nước phương Đông. Tuy nhiên, trong thời đại sự giao lưu văn hoá giữa các nước ngày càng trở nên cởi mở, tôn trọng lẫn nhau và tìm ra cái hay, cái đẹp của nhau để làm giàu thêm vốn văn hóa của dân tộc mình đây đôi khi lại là điều tốt. Đó chính là những yếu tố không thể thiếu để làm nên cái chung, cái phổ quát của văn hoá nhân loại, trong đó có âm nhạc và hệ thống ngôn ngữ chung của văn hoá âm nhạc đương đại trên thế giới. Những cái độc đáo, đặc sắc của âm nhạc mỗi vùng, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc một mặt luôn được bảo tồn cùng với sự tồn vong của từng dân tộc, một mặt lại phát triển theo hướng ngày càng tiến bộ hơn.

Tạm kết

Để có thể nói về sự khác nhau trong âm nhạc giữa hai Châu lục là điều vô cùng rộng lớn mà trong khuôn khổ một bài viết là chắc chắn không thể đầy đủ hết. Như chúng ta đã biết âm nhạc là hơi thở của cuộc sống, bắt nguồn từ cuộc sống lao động của xã hội loài người, phản ánh tâm tư, tình cảm, ước vọng trong cuộc sống của con người trong mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi châu lục. Dù được thể hiện qua câu hát - tiếng đàn, hay qua thị hiếu thưởng thức âm nhạc, qua giai điệu, tiết tấu, điệu thức, cách thức cơ cấu nhạc cụ, phong cách biểu diễn, phong cách sử dụng nhạc cụ... thì bản chất ấy của âm nhạc không hề thay đổi. Chúng ta chỉ có thể nhìn vấn đề dưới góc độ nhỏ của dòng âm nhạc chuyên nghiệp (một bộ phận của âm nhạc nói chung) và dựa vào những cách thức biểu hiện ấy để làm cơ sở cho những so sánh về sự khác biệt giữa âm nhạc Phương Đông và âm nhạc Phương Tây.

- Kỳ 2: Phương Đông và phương Tây khác biệt về âm nhạc như thế nào? (Kỳ 2)

Bình luận

Bình luận
LIÊN HỆ
Chúng tôi sẽ giúp bạn tìm đúng giải pháp cho đam mê của bạn.
ĐĂNG KÝ NHẬN EMAIL CẬP NHẬT
Để lại email để nhận thông tin mới nhất.
Tôi đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân của mình.