Mặc dù rất bận rộn, nhưng thầy Phạm Tuấn Chính cũng đã dành cho chúng tôi một khoảng thời gian để trả lời phỏng vấn. Sau đây là tóm lược những nội dung chúng tôi đã trao đổi với thầy.
PV: Xin thầy cho biết buổi hội thảo hôm nay có bao nhiêu người tham dự?
Thầy Phạm Tuấn Chính: Vì chỗ ngồi của hội trường có hạn, nên chúng tôi đã dự định chỉ mời khoảng 200 người. Tuy nhiên, số khách đến tham dự lại vượt quá dự kiến.
PV: Thưa thầy, con số này có phải là toàn bộ phụ huynh và giáo viên của hệ thống trường Đô Rê Mi?
Thầy Phạm Tuấn Chính: Không phải, số tham dự viên mới chỉ một phần thôi. Không thể mới hết được tất cả, một phần vì có nhiều đơn vị thành viên ở xa, phần khác vì những lớp học vẫn phải diễn ra bình thường.
Thầy Phạm Tuấn Chính giới thiệu các đại biểu
PV: Xin thầy cho biết hệ thống trường Đô Rê Mi có bao nhiêu đơn vị thành viên?
Thầy Phạm Tuấn Chính: Không tính những đơn vị nhỏ lẻ, hệ thống trường chúng tôi có 4 đơn vị thành viên với số lượng học sinh luôn ổn định và ngày càng gia tăng.
PV: Thầy có thể cho biết tại sao lại liên kết chương trình đào tạo với London College of Music – University of West London?
Thầy Phạm Tuấn Chính: Như tôi đã trình bày trong buổi hội thảo, đây là một thao thức của tôi sau mấy mươi năm đào tạo âm nhạc cho các em học viên. Học viên cần những chứng chỉ từ thấp đến cao, kể cả những bằng đại học. Trong khi đó, hệ thống trường chúng tôi lại chỉ có thể cấp được chứng chỉ sơ cấp nghề. Đây là một điều rất thiệt thòi cho những em có niềm đam mê và muốn chọn âm nhạc như một hoạt động chính trong cuộc sống.
Giáo Sư Tiến Sĩ John Joward phát biểu
PV: Có phải thầy muốn nói rằng khi liên kết với LCM, hệ thống trường Đô Rê Mi đã và đang mở ra những con đường mới cho sự thăng tiến trong học tập của học viên?
Thầy Phạm Tuấn Chính: Chính xác là như thế. Những trường nhạc của nhà nước như Nhạc viện, Trường Cao Đẳng VHNT… chỉ tuyển sinh theo chỉ tiêu. Trong khi đó, nhu cầu được đào tạo chuyên nghiệp của xã hội rất lớn. Vì vậy, với chương trình LCM, bên cạnh việc tập trung học hành tại các trường phổ thông, học viên có thể đặt mục tiêu thăng tiến trên con đường âm nhạc bằng cách mỗi năm chinh phục một trình độ âm nhạc quốc tế nào đó. Và như vậy, song song với việc học văn hóa, sau bậc trung học, học viên cũng đã có được Grade 8 là một trình độ cao hơn Trung Cấp Chuyên Nghiệp.
PV: Xin thầy cho biết các phụ huynh cảm nhận như thế nào khi nhà trường cập nhật chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế LCM?
Thầy Phạm Tuấn Chính: Cứ nhìn không khí hỏi đáp thật sôi nổi trong buổi hội thảo, ta có thể nhận ra sự quan tâm sâu sắc của quí vị phụ huynh. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Trước kia, phụ huynh thường hỏi: “Cháu học nhạc bao giờ mới xong?” Câu hỏi này cho ta hiểu rằng quí vị phụ huynh không thấy con đường thăng tiến của con em mình. Với chương trình LCM, họ thấy rõ tiến trình học tập từ thấp đến cao, thậm chí còn rất cao ở những trình độ đại học và sau đại học.
Giáo Sư John Howard trao Chứng nhận Trường Đô Rê Mi là LCM Examinations Centre
PV: Vậy làm thế nào để cập nhật chương trình theo LCM?
Thầy Phạm Tuấn Chính: Việc chuẩn hóa chương trình tương đồng với tiêu chuẩn quốc tế là một quá trình không đơn giản. Trước tiên là phải nâng cấp chất lượng giảng dạy của giáo viên. Điều này chúng tôi đã bắt đầu rồi và hy vọng trong một tương lai gần, toàn bộ giáo viên của hệ thống trường Đô Rê Mi tối thiểu cũng có trình độ Diploma of London College of Music.
PV: Thầy kỳ vọng gì với chương trình theo LCM?
Thầy Phạm Tuấn Chính: Đó chính là chất lượng đào tạo. Đó là sự cống hiến mang đến thật nhiều lợi ích về giáo dục đào tạo cho thế hệ tương lai. Và từ những cống hiến đó, thương hiệu trường Đô Rê Mi sẽ được phát triển bền vững. Mục tiêu về thương hiệu của chúng tôi chính là chất lượng dạy & học theo những tiêu chuẩn và trình độ quốc tế.
PV: Xin cám ơn thầy vì những chia sẻ đầy nhiệt huyết và sâu sắc.
Một số hình ảnh về buổi Hội Thảo