Hằng năm cứ mỗi dịp Giáng Sinh về, dường như đã thành thông lệ chúng ta lại nghe thấy giai điệu vui tươi rộn ràng của những bài hát quen thuộc như: Jingle Bells, Last Christmas hay We Wish You a Merry Christmas vang lên khắp nơi. Để rồi cũng trong không khí ấy, người ta bỗng nhiên thấy lòng lắng lại bởi một giai điệu sâu lắng trầm buồn đến nao lòng: “Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Noel năm nào chúng mình có nhau…”. Lời hát day dứt, khắc khoải đầy hoài niệm và tiếc nuối về một cuộc tình đã xa của ca khúc Bài Thánh Ca Buồn vẫn âm thầm gieo vào tâm hồn của người nghe gần 50 năm qua.
"Đến nay, Bài Thánh Ca Buồn vẫn luôn được người nghe yêu thích. Đó là điều chính tôi cũng không ngờ. Thật ra, ai trong đời cũng trải qua một thời yêu thương mơ mộng, mà thường những kỷ niệm buồn bao giờ cũng khắc sâu và dễ làm mềm lòng người mỗi khi được gợi lại. Có lẽ Bài Thánh Ca Buồn của tôi phần nào đã làm được điều đó chăng?" - Tác giả Nguyễn Vũ nói về Bài Thánh Ca Buồn.
Tác giả của Bài thánh ca buồn tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, bút danh là Nguyễn Vũ, sinh năm 1944. Năm 12 tuổi ông đoạt giải nhất đơn ca thiếu nhi do Đài Phát thanh Đà Lạt tổ chức. Năm 23 tuổi, ông có bản nhạc đầu tay Huyền thoại một chiều mưa… Nguyễn Vũ sáng tác không nhiều, nhưng không ít tác phẩm của ông đã đi vào lòng công chúng. Trong đó Bài thánh ca buồn được sáng tác năm 28 tuổi là nhạc phẩm ghi dấu ấn đáng nhớ trên con đường âm nhạc của ông.
Ông sinh ra tại Hà Nội nhưng suốt thời thơ ấu ông sống ở Đà Lạt và cũng chính thành phố sương mù này đã tác động nhiều đến bước đường nghệ thuật của ông. Cũng chính thành phố này là nguồn cảm hứng để ông cho ra đời nhiều tuyệt phẩm. Năm 1972, Nguyễn Vũ đã viết lại những cảm xúc của mình và Bài Thánh Ca Buồn đã ra đời.
Mỗi ca khúc đều có một số phận, nhạc sĩ Nguyễn Vũ sáng tác Bài Thánh Ca Buồn vào năm 1972, theo lời đề nghị của một nhà sản xuất âm nhạc nhân mùa Noel năm ấy. Sau đó Nguyễn Vũ loay hoay tìm đề tài sáng tác thì bất chợt giai điệu của bài hát bất hủ Silent Night vang lên. Bài hát này đã gợi cho ông rất nhiều cảm xúc để hồi tưởng về thời thơ ấu.
Thuở khi ông chỉ là cậu bé 14 tuổi, ông bị mê đắm bởi một cô gái người công giáo tại thành phố Đà Lạt sương mù. Lúc đó, nhà nhạc sĩ ở cạnh con dốc lên nhà thờ Con Gà (Đà Lạt), tình cảm ấy khiến ông cứ lẽo đẽo theo cô trên đường đến nhà thờ. Trong một lần tan lễ, trời mưa rất to, cả hai đành phải trú mưa chung dưới một hiên nhà, lúc ấy cũng đúng ngày lễ Giáng Sinh. Khi nghe bài hát Silent Night phát ra từ nhà bên cạnh, cô gái lẩm nhẩm hát theo và hình ảnh ấy cứ ám ảnh người nhạc sĩ cho đến nhiều năm sau đó. Tất cả gói gọn thành một câu chuyện tình lãng mạn nhưng tinh tế và chân thật của một mùa Noel kỷ niệm, thoáng chút buồn nhưng không bi lụy.
"Tôi bất ngờ xúc động khi nghe cô nhẩm hát theo bài Đêm thánh vô cùng với một chất giọng khá hay. Vì vậy, nghe lại bài hát này, trong tôi, kỷ niệm xưa chợt ùa về và những giai điệu cứ thế tuôn trào. Chỉ trong gần hai tiếng đồng hồ, tôi đã ký âm xong bài hát và khi cầm đàn guitar chơi lại, chính tôi cũng cảm thấy xúc động.” - Nguyễn Vũ nhớ lại.
Ở Việt Nam, dù không chính thức nhưng Giáng sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Ngày nay, ngoài việc cộng đồng công giáo tổ chức lễ Noel theo những nghi lễ của tôn giáo nghiêm trang của mình, lễ Giáng sinh còn là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp của nhiều tầng lớp dân chúng nói chung. Đã gần 50 năm kể từ khi Bài Thánh Ca Buồn ra đời, bao mùa Giáng Sinh đã trôi qua với sự thử thách của thời gian nhưng bài hát vẫn là một không gian bình yên lãng mạng giữ riêng trong tâm hồn trên quê hương qua thời binh lửa của nhiều thế hệ.
Đến nay, bài hát này vẫn luôn là một trong những bài tình ca cho mùa đông thấm đẫm tâm hồn lãng mạn, nồng nàn và tinh tế trong giai điệu lẫn ca từ. Giữa những giai điệu Giáng sinh rộn ràng mỗi khi giao mùa, bạn có nghe tim mình xao xuyến khi bắt gặp đâu đó vang lên câu hát: “Bài thánh ca đó còn nhớ không em?..."