Nhạc kịch hiện đang được rất nhiều các nghệ sĩ trẻ xây dựng và phổ biến với khán giả Việt Nam, mang công chúng đến gần hơn với thể loại nghệ thuật kinh điển của sân khấu thế giới.
Những vở nhạc kịch được dựng lại từ các tác phẩm văn học kinh điển và các vở nhạc kịch cũ, có chất lượng nghệ thuật cao, tạo được tiếng vang lớn với công chúng và được hội đồng chuyên môn đánh giá cao.
10 bản nhạc cổ điển hay nhất cho trẻ
Vở nhạc kịch ngay khi được công diễn vào ngày 16/12/2014 và truyền hình trực tiếp trên Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam tối ngày 17/12 đã gây được tiếng vang lớn, tìm được sự đồng cảm của khán giả nhiều lứa tuổi từ những người trẻ tuổi đến người xem lớn tuổi. Đây là một trong những thành công mà vở nhạc kịch Mảnh trăng cuối rừng đạt được.
Tác phẩm được Nhạc sĩ Bông Mai chuyển thể từ truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Có sự cố vấn nghệ thuật của thiếu tướng - nhạc sĩ An Thuyên, cố vấn âm nhạc nhạc sĩ Đức Trí, cùng ekip đạo diễn nhạc kịch, thiết kế sân khấu, xử lý hiệu ứng ánh sáng của Thái Lan và các giáo viên Việt Nam dàn dựng và luyện thanh.
Toàn bộ câu chuyện được kể bằng âm nhạc, mới mẻ và sinh động. Trong không gian sân khấu với những luồng ánh sáng xanh mờ ảo, cánh rừng Trường Sơn hiện lên trong trẻo và đầy chất thơ qua những màn ca diễn đối đáp giữa các anh lính lái xe và những cô gái thanh niên xung phong.
Họ tươi trẻ, nồng nhiệt, yêu đời qua những ca khúc quen thuộc về người lính: Những cô gái mở đường, Tôi người lái xe, Lê Anh Nuôi, Anh quân bưu vui tính..., rồi lại hừng hực lửa chiến đấu và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc qua lời hát: Bước chân trên đỉnh Trường Sơn, Bài ca Trường Sơn, rồi lại là những cảm xúc lãng mạn giữa Nguyệt và Lãm trong một đêm rừng Trường Sơn qua ca khúc Mảnh trăng cuối rừng, nơi mảnh trăng vẫn mọc lên sáng rực giữa vùng trời đạn bom.
Và tác phẩm như là một bậc thang để người yêu nhạc bước vào một thế giới đầy chất nhạc, đầy chất thơ, đầy chất tình của thể loại nhạc kịch.
Cô Sao là vở nhạc kịch kinh điển của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ( con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận) phục dựng lại và công chiếu vào năm 2012 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Nhân vật chính của vở nhạc kịch là A Sao, một cô gái Thái xinh đẹp, mồ côi cha mẹ lớn lên ở vùng núi Tây Bắc những năm trước CM Tháng 8 – 1945. Bị kẻ xấu vu oan hãm hại là có ma trong người, A Sao phải một mình vào rừng sống. Tại đây cô gặp Hà và Vân - cán bộ hoạt động bí mật. Hai chiến sĩ đã giúp A Sao có thêm niềm tin, vượt lên trên số phận.
Đây là vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam, đã được công chiếu 2 lần vào năm 1965 và 1976, cho đến năm 2012 là lần phục dựng thứ 3 với phiên bản rút gọn hơn. Tác phẩm đã làm sống dậy những ký ức của người lớn tuổi về một thời chiến tranh nhiều khốc liệt, cũng như góp phần giới thiệu thể loại nhạc kịch đến gần hơn với giới trẻ.
Người Tạc Tượng cũng là một tác phẩm của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân dàn dựng lại, công chiếu năm 2019. Tác phẩm này vẫn được thực hiện với ekip chính đã làm nên vở nhạc kịch Cô Sao vào năm 2012.
Tác phẩm xoay quanh nhân vật trung tâm là Thạch Sơn - một chiến sĩ người Kinh, có tài điêu khắc. Anh có tình cảm với H'Nuôn - cô gái Tây Nguyên, con của già làng Âêpông. Thạch Sơn và H'Nuôn bị một tên địch giam giữ. Hắn ra điều kiện nếu Thạch Sơn tạc tượng nữ thần tự do, hắn sẽ thả cả hai. Tuy nhiên, anh không chịu khuất phục. Khi nhìn thấy tảng đá mang về từ núi Ngũ Hành Sơn được tạc thành hình chiến sĩ Tây Nguyên, tướng ngụy tức giận, tra tấn anh.
Vở nhạc kịch không nhấn mạnh về chiến tranh, mà ý tưởng của tác giả là về lý tưởng, về ý chí và về tình yêu.
Điểm nhấn của nhạc kịch là những màn đồng ca với phần bè nhịp nhàng, toát lên nét văn hóa đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Phần vũ đạo do nghệ sĩ Trần Ly Ly dàn dựng nhịp nhàng. Trang phục của các nhân vật được chăm chút, theo phong cách người Ê đê.
Nhạc kịch Việt Nam bắt đầu bước ra ánh sáng, mang đến cái nhìn thiện cảm hơn với công chúng mọi lứa tuổi qua các tác phẩm được dàn dựng hay, gần gũi phát triển từ các tác phẩm văn học quen thuộc.
Được dẫn nguồn từ những vở nhạc kịch kinh điển ấy hiện nay nhạc kịch được khá nhiều nhóm nhạc trẻ đang theo đuổi, phát triển trên các sân khấu cả nước, đặc biệt là ở hai Trung tâm nghệ thuật lớn của cả nước là Hà Nội và TP.HCM, góp phần mang thể loại nghệ thuật bác học của Tây Âu đến gần với người nghe hơn.