Nếu sân khấu truyền thống Trung Quốc có đại diện tiêu biểu là Kinh kịch của Bắc Kinh, Nhật Bản có kịch nô đại diện cho nghệ thuật truyền thống thì tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam là chèo. Hiện nay, mỗi dịp Xuân các vở chèo trên các sân khấu lớn nhỏ vẫn đắt khách, bởi không khí xuân bình dị, ấm cúng, đậm đà, nhưng bó hẹp ở những người cùng làm nghề và những vị khách lớn tuổi.
Từ bao đời nay hát chèo đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc của người dân Việt Nam.
“ Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem
Chẳng thèm ăn chả ăn nem
Thèm no cơm nắm, thèm xem hát chèo”
Chèo phát triển mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là một loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình.
Không giống tuồng chỉ ca tụng hành động anh hùng của giới quyền quý, chèo còn miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn. Nhiều vở chèo còn thể hiện cuộc sống vất vả của người phụ nữ sẵn sàng hy sinh bản thân vì người khác. Nội dung của các vở chèo lấy từ truyện cổ tích, truyện Nôm, được nâng lên một mức cao bằng nghệ thuật sân khấu mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc.
Trong chèo, cái thiện luôn thắng cái ác, các sỹ tử tốt bụng, hiền lành, luôn đỗ đạt làm quan, còn người vợ thì tiết nghĩa, cuối cùng sẽ được đoàn tụ với chồng. Các tích trò chủ yếu lấy từ chuyện cổ tích, truyện Nôm; ca vũ nhạc từ dân ca dân vũ; lời thơ chủ yếu là thơ dân gian.
Ngày xuân xưa, khi điều kiện vật chất còn thiếu thốn, mỗi gia đình chỉ có 1 chiếc tivi đen trắng, 1 đài cát sét, mở các chương trình nhạc xuân là đã thấy rộn ràng ngày Tết. Trong các chương trình ấy không thiếu các vở chèo cổ, được phát đi phát lại. Người lớn, trẻ con cùng nghe chung một kênh giải trí, có khi cả nhà cùng thuộc các vở diễn cổ như: Bài ca giữ nước, Đồng tiền Vạn Lịch, Lưu Bình Dương Lễ, Nghêu sò ốc hến, Quan Âm Thị Kính, Từ Thức gặp Tiên…
Ngày nay, thế giới phẳng với công nghệ 4.0, các phương tiện giải trí phát triển mạnh mẽ, đất diễn cho chèo được mở rộng hơn, nhưng sự quan tâm của người xem, người nghe lại thu hẹp lại, môn nghệ thuật truyền thống này dần nhạt nhòa trong trí nhớ của người trẻ nay. Chỉ những 8X, 9X đời đầu là còn lại dư vị.
Chèo với người trẻ dường như rất xa lạ, bị coi là không hợp thời, kém hấp dẫn. Các nghệ sĩ chèo cũng không đủ sống với nghề, phải đi làm rất nhiều nghề khác nhau, nhưng may mắn vẫn còn nhiều nghệ sĩ tha thiết với chèo. Họ coi chèo là lẽ sống, là linh hồn, ra sức phát huy, gìn giữ, đưa chèo vào đời sống nhân dân để chèo sống mãi.
Các làng chèo vẫn còn giữ được truyền thống và phát triển đến tận ngày nay như làng Khuốc (Thái Bình), làng chèo Trung Lập, chèo Tàu Tân Hội (Hà Nội), làng chèo Thiết Trụ (Hưng yên), câu lạc bộ chèo Thái Bình (Kon Tum)…
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ
Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay
(Thơ Nguyễn Bính)
Mời các bạn cùng xem vở chèo cổ Tống chân Cúc Hoa
Nghệ sĩ ưu tú Minh Thu – một trong những nghệ sĩ chèo nổi tiếng hiện nay nói rằng “ Chèo phải nghe, phải xem trực tiếp mới cảm nhận hết cái hay của nó”. Hãy để mỗi xuân đến, chúng ta vui vì có chèo, vì chèo mà xuân thêm tròn trịa bằng việc phổ biến, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật cổ của Việt Nam.
Xem thêm >>> Sức hấp dẫn trong âm nhạc của Mozart
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: 1800 6715