Làng Then, một ngôi làng bình yên của vùng nông thôn Bắc bộ, thuộc xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, Tỉnh Bắc Giang nằm bên dòng sông Thương thơ mộng. Ngôi làng bình dị như bao ngôi làng khác ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ với nghề chính là trồng lúa, rau màu, hằng ngày họ gắn bó với ruộng đồng, trâu bò, cày cuốc,... nhưng khi cầm cây vĩ cầm trong tay, một loại nhạc cụ thuộc về âm nhạc hàn lâm, thường sử dụng trong các dàn nhạc giao hưởng, họ lại trở thành những nghệ sĩ đích thực.
Làng Then ngày mùa, bà con đổ ra đồng làm việc, sau vụ lúa mùa, lại tất bật trồng hoa màu xen canh. Bên cạnh thửa ruộng đồng quê chân chất lúa bùn, câu chuyện của những người quê tại mảnh đất này, không chỉ là việc đồng áng, việc mùa vụ mà đó còn là những câu chuyện về tiếng đàn. Đối với người dân làng Then, tiếng đàn là cái gì đó rất thân quen, gần gũi như mảnh ruộng, vườn rau, nó cũng chính là tiếng lòng giúp cho người ta quên đi những cám dỗ đời thường, sống nghĩa tình, lạc quan và trách nhiệm hơn đồng thời chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa.
Có điều người làng Then không tập đàn, chơi đàn vào ban ngày bởi họ còn phải bươn trải cho cuộc sống, chăm sóc cho thửa ruộng, mảnh vườn. Vậy nhưng khi trở về nhà, họ nói với nhau những câu chuyện về nhạc cụ, nhạc lý và cùng nhau chơi những bản nhạc vĩ cầm. Nghe kể lai lịch xuất hiện của cây đàn Violon quý tộc trong ngôi làng thuần nông này đó là vào những năm 50 của thế kỷ trước, Đoàn văn nghệ Trung ương có thời gian lưu diễn phục vụ nhân dân tại các vùng quê tỉnh Bắc Giang. Những người nông dân làng Then suốt ngày chỉ biết có cây lúa củ khoai, nào ngờ khi nhìn thấy chiếc đàn bỗng như bị hút hồn bởi tiếng kêu thanh thoát của nó. Như một định mệnh, họ yêu và say đắm với tiếng đàn vĩ cầm, nâng niu và gìn giữ. Cứ thế, người biết dạy cho người chưa biết, thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau làm tiếng đàn lan tỏa.
Bước qua cánh cổng làng Then, vẳng nghe tiếng nhạc vĩ cầm réo rắt từ đằng xa. Trong khung cảnh bình yên, hình ảnh một người nông dân quần xắn ống thấp ống cao, đôi chân vẫn còn lấm bùn và trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi ẩn chứa niềm say mê theo từng nốt nhạc, người đàn ông đó đang chơi vĩ cầm vào những giây phút rảnh rang sau khi đã làm xong công việc đồng áng. Người làng Then thường bảo nhau rằng, không biết chơi vĩ cầm không phải trai làng Then và cái tên “làng vĩ cầm” cũng được người ta gọi từ đó. Và họ chơi vĩ cầm cũng không phải để kiếm lợi nhuận gì, mà họ chơi chỉ bởi thấy yêu thích thứ âm nhạc này, coi đó là niềm vui, và để thỏa cái say, cái thích của mình. Họ luôn tâm niệm phần thưởng quý giá nhất chính là được biểu diễn để cho tiếng đàn vĩ cầm đến được với đông đảo công chúng.
Ngày nay nhắc tới tên làng Then, người ta biết ngay tới một làng vĩ cầm có tiếng. Chẳng thế mà mới đến Bắc Giang, dù còn cách những hơn chục cây số nhưng hỏi thăm từ bác xe ôm, tới cô hàng nước đường về làng Then thì ai cũng biết. Không những thế, người làng còn hy vọng một ngày nào đó, tiếng vĩ cầm làng Then sẽ vang lên thường xuyên giữa khán phòng Nhà hát Lớn ở Thủ đô Hà Nội, cũng như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Nhóm vĩ cầm Làng Then tại Vietnam's Got Talent: