Một dự án âm nhạc độc đáo và đầy cảm hứng ở Cateura, Paraguay, cho thấy âm nhạc có thể mang lại hy vọng cho bất kì vùng miền nào nói chung và thị trấn nghèo với những bãi rác như Cateura nói riêng. Cateura được xây dựng trên đỉnh của một bãi chôn lấp rác thải, nơi nhận được hơn 1.500 tấn chất thải mỗi ngày. Nằm như bên bờ sông Paraguay, địa điểm này đe dọa nguồn cung cấp nước sạch và sức khỏe của người dân. Thật là một dự án tuyệt vời và dũng cảm cho tất cả những nhạc sĩ truyền cảm hứng này.
Ở vùng ngoại ô Cateura của thủ đô Asunción, rác thải là tai ương, nhưng cũng là sinh kế. Tại thị trấn này, nhiều trẻ em bị buộc phải làm việc trong các bãi rác trong điều kiện vô cùng thiếu thốn và cực khổ, Những đứa trẻ này đã được tập hợp trong một dàn nhạc được gọi là “Dàn nhạc tái chế” để tập chơi các bản nhạc cổ điển dưới sự trợ giúp của kỹ thuật viên sinh thái Favio Chávez.
Flavio Chávez
Câu chuyện thần tiên từ bãi rác thải bắt đầu với Favio Chávez khi ông làm việc ở Cateura với tư cách chuyên viên sinh thái học. Chứng kiến cuộc sống bị bủa vây bởi cảnh bần hàn, nạn mù chữ, ô nhiễm, ma túy và bạo lực ở đây, Chávez nhận ra rằng, bọn trẻ cần được tiếp nhận những điều tích cực có thể đưa chúng thoát khỏi vùng đất ngập rác này và sống một tương lai tốt đẹp hơn. Sau một lần Chávez cho dàn nhạc biểu diễn ngay tại Cateura, những người nhặt rác đã hỏi liệu ông có thể dạy nhạc cho con cái của họ được không? Chávez nhận ra rằng sẽ không thể có đủ nhạc cụ cho bọn trẻ đang tha thiết muốn được nhận vào lớp, vả lại các em cũng cần tập luyện thêm ở nhà nếu muốn tiến bộ.
“Cây đàn violin còn đáng giá hơn cả ngôi nhà của những người nhặt rác,” Chávez nói.
“Vì vậy chúng tôi đã thử làm đàn từ những thứ nhặt được ở bãi rác. Chúng tôi khám phá những vật liệu phù hợp nhất, đảm bảo nhạc cụ có âm thanh chuẩn và giữ được độ căng của dây đàn. Thật tốt khi trao cho bọn trẻ những nhạc cụ tự chế vì chúng không có gì đắt đỏ.”
Nicolás Gómez, 48 tuổi, một thợ mộc kiêm người nhặt rác, đã cùng với Chávez làm ra những cây đàn này. Ông dùng cưa điện để định hình những cái khay kim loại thành thân của một cây đàn violon và thiết kế những cây đàn cello từ vỏ thùng đựng dầu. Cần đàn được đẽo ra từ những thanh gỗ cũ. Sáo, trống… tất cả đều được làm từ phế liệu. Từ tâm huyết và sự khéo léo của Favio Chávez và Nicolás Gómez, Recycled Orchestra đã ra đời, cho phép những đứa trẻ ở địa phương theo học và trình diễn tác phẩm của những bậc thầy âm nhạc thế giới như Bach, Mozart và Beethoven. Câu chuyện thần tiên này giống như một lời nhắc rằng, cuối cùng, âm nhạc sẽ chiến thắng ở bất cứ nơi nào.
Trong đoạn clip trên, Chávez thể hiện khúc dạo đầu tuyệt hay trên một nhạc cụ làm từ một lon dầu và gỗ bỏ đi. “Cuộc sống của tôi sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có âm nhạc, đồng thời nhấn mạnh tác động của dự án Dàn nhạc tái chế đối với âm nhạc và môi trường”. Chávez nói.
“Thế giới đưa rác đến cho chúng tôi và chúng tôi trả lại bằng âm nhạc,” Favio từng nói như vậy, không chỉ nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về một vấn đề toàn cầu mà còn muốn chứng tỏ rằng, bất chấp sự đói nghèo cùng cực, các học trò của ông vẫn có thể trở thành những thành viên có ích cho cộng đồng. Dàn nhạc đã thổi luồng gió mới, mang đến cho các em cơ hội về một tương lai vượt xa khỏi khu ổ chuột ở vùng đất ngập rác mà trước đây các em chưa bao giờ từng tưởng tượng ra.