Hình ảnh cây đàn trong nhạc Bolero

27/06/2019 4845

Với những người yêu âm nhạc, đặc biệt là những ai đã trót say mê dòng nhạc Vàng - Bolero tại Việt Nam thì hiển nhiên sẽ không xa lạ với các bài hát gắn liền với những chuyện tình buồn như: Giọng ca dĩ vãng (sáng tác Bảo Thu), Đập vỡ cây đàn (Lê Mộng Bảo), Tiếng hát chim đa đa (Võ Đông Điền), Cô hàng xóm (Lê Minh Bằng), Giọt lệ đài trang (Châu Kỳ),... Điểm chung ở những bài hát này đều là sự xuất hiện của hình ảnh cây đàn trong tình yêu đôi lứa. Có chàng trai dùng đàn để bày tỏ nỗi lòng mình với người con gái, có những người nhờ “anh đàn, em hát” mà tình cảm nảy sinh, cũng có trường hợp nàng muốn chàng phải biết đàn thì mới yêu, nhưng rồi sau đó thì... lại là một câu chuyện buồn. Tựu chung lại, cây đàn trong âm nhạc thật sự đã được các nhạc sĩ khai thác vô cùng đa dạng và phong phú.

Từ “tay phím nắn nót cung đàn”...

Những chuyện tình bắt đầu từ cây đàn “anh đàn em nghe, em hát” thì nhiều vô kể. Từ chuyện tình đơn phương của anh nhạc sĩ nghèo không dám tỏ lời, chỉ dám mượn tiếng đàn thổ lộ với cô hàng xóm như nhạc sĩ Lê Minh Bằng: “Tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở, nhưng nàng khen nhiều và thật nhiều”.

Hay như nhạc sĩ Châu Kỳ cả gan ôm đàn đến hát tỏ tình với con gái ông quan thượng thư “Rồi một hôm tôi gặp nàng, đem tiếng hát cung đàn với niềm yêu lai láng”, nhưng nhận lại cái kết bẽ bàng, để rồi chỉ biết một mình ôm đàn than thở: “Nhìn đời thấy lắm phũ phàng, mượn tiếng hát cung đàn quên niềm đau dĩ vãng”.

Cũng không thể bỏ qua mối tình “thầy đàn - ca sĩ” của nhạc sĩ Bảo Thu và ca sĩ Hoài Phương Tâm, với những buổi tập nhạc anh đàn em hát. Rồi đến lúc nghe tin Tâm đi lấy chồng, nhạc sĩ cảm thán viết nên bài “Giọng ca dĩ vãng” để kể vể câu chuyện tình từ thuở ban đầu: “Ngày xưa, mỗi lần em buông tiếng hát, thì anh tay phím nắn nót cung đàn”. Biết Tâm lấy chồng là sĩ quan, Bảo Thu cũng khéo léo trách móc người mình yêu đã theo người có địa vị mà phụ bỏ người cơ hàn qua câu “hoa mai giăng ngập nẻo đường em đi” (Ngày xưa, sĩ quan lục quân và không quân cấp Thiếu úy lên đến Đại tá sẽ có biểu tượng hoa mai trên quân hàm. Vì vậy “hoa mai giăng ngập” chính là có hàm ý trách móc).

Giai đoạn sau này, cũng có 1 bài hát với cấu tứ tương tự như câu chuyện trên do nhạc sĩ Võ Đông Điền sáng tác là bài “Tiếng hát chim đa đa”. Trong bài này tác giả viết: “Ngày nào em tuổi mười lăm, em hay nghe tôi ngồi đánh đàn, tiếng đàn làm nỗi nhớ mênh mang”, và sau đó là “Sao em không như ngày nào sang đây nghe tôi ngồi đàn, để điệu đàn buồn mênh mang.”

...Đến “đập vỡ cây đàn”

Tuy nhiên, bài hát buồn nhất và cay đắng nhất chắc phải kể đến “Đập vỡ cây đàn”. Ở những bài hát trên, tuy chàng trai có đau buồn khi mất đi người mình yêu thương nhưng ít ra vẫn còn cây đàn bầu bạn, để những lúc buồn có thể mang đàn ra mà gảy khúc sầu bi. Còn chàng trai trong bài hát của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo thì than ôi người yêu bỏ đi theo hình bóng khác, còn đàn thì cũng vỡ tan.

Vì sao như vậy? Thật ra chàng trai trong bài hát không hề yêu thích chơi đàn mà chàng đi học đàn chỉ vì nàng muốn như thế mà thôi. “Em bảo tôi rằng: Anh đi học đàn để đàn theo lúc em ca, những ngày hoa mộng đời ta”. Nhưng rồi khi chàng đi học thì ở nhà nàng đã xây đắp gia đình với một nhạc sĩ vang danh.

Tôi yêu nàng nên vội vàng lên tỉnh, đi tìm theo học đàn

Sau một năm trường, tôi trở về quê hương. Nhưng người em gái ngày ấy đã đi rồi.”

Đối với nàng, chàng là phương tiện và đàn là mục đích. Chàng dại khờ không nhận ra điều đó, nên ngược lại xem mục đích là nàng và đàn là phương tiện. Để rồi khi gặp được phương tiện tốt hơn, nàng không ngần ngại bỏ đi. Còn với chàng trai, bây giờ mục đích đã không còn thì còn cần phương tiện để làm gì? Thế nên chàng đập vỡ cây đàn vô tri. Con người chung quy là như vậy, nếu không được thỏa mãn những mong muốn của mình thì liền quay ra chê trách, nguyền rủa và hận thù chứ chẳng cần biết đã “đúng người đúng tội” hay chưa.

Tạm kết

Kết lại, người viết mong muốn bạn đọc thấy được hình ảnh cây đàn trong nhạc vàng Việt Nam nói chung và dòng nhạc Bolero nói riêng là vô cùng phong phú. Nó có thể là khởi nguồn cho một tình yêu đẹp nhưng cũng có thể là đoạn kết cho tình yêu dang dở. Cây đàn tạo nên bản nhạc, nhưng chính bản nhạc cũng đưa đàn trở nên thi vị qua ngòi bút tài hoa của nhạc sĩ yêu đàn. Vậy bạn có yêu cây đàn của mình không? Cây đàn của bạn có gắn với một chuyện tình nào đó không?

(Q.K)

Bình luận

Bình luận
LIÊN HỆ
Chúng tôi sẽ giúp bạn tìm đúng giải pháp cho đam mê của bạn.
ĐĂNG KÝ NHẬN EMAIL CẬP NHẬT
Để lại email để nhận thông tin mới nhất.
Tôi đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân của mình.