Nannette (sinh ngày 2/1/1769 mất ngày 16/1/1833) được biết đến là người giúp đỡ Beethoven rất nhiều trong những ngày đầu ông ở Vienna, cũng là một trong những nhà chế tạo đàn piano giỏi nhất châu Âu thời bấy giờ. Nannette Streicher là người đã chế tạo những cây đàn piano của Beethoven thời trẻ và đây là cách câu chuyện diễn ra.
Nannette Streicher
Beethoven lần đầu tiên gặp Nannette Streicher khi ông mới 16 tuổi, trở về sau chuyến đi đến Vienna năm 1787 để gặp Mozart . Nannette là con gái của một thợ chế tạo đàn piano và organ nổi tiếng, Johann Andreas Stein. Gia đình sống ở Augsburg, nơi Beethoven dừng chân trên đường trở về Bonn. Bản thân Nannette cũng là một nghệ sĩ piano tài năng và đã chơi cho Mozart ở Vienna. Mozart đã viết thư cho cha mình vào năm 1777 để chế nhạo cách cư xử của Nannette, nhưng cũng mô tả cô ấy là một nghệ sĩ piano rất tài năng, người có thể một ngày nào đó sẽ trở thành một nghệ sĩ piano vĩ đại. Chẳng bao lâu, Nannette đã học được nhiều kỹ năng của cha mình và đạt được danh tiếng là một nữ thợ thủ công chuyên nghiệp theo đúng nghĩa.
Hai năm sau khi cha cô qua đời, cô kết hôn với nhạc sĩ Johann Andreas Streicher vào năm 1794. Cặp đôi ngay lập tức chuyển đến Vienna, nơi họ thành lập một nhà máy sản xuất đàn piano ở ngoại ô Landstrasse của thành phố. Nhà Streicher đã làm nhiều cây đàn piano cho Beethoven và ông đã rất khen ngợi những cây đàn do họ làm ra.
Johann Andreas Streicher
Nannette được ghi nhớ trong sử sách với tư cách là vợ của thợ chế tạo đàn piano nổi tiếng, Streicher. Nhưng thật sự cô ấy là người sở hữu nhà máy sản xuất đàn piano và thuê chồng mình, một nghệ sĩ piano kiêm giáo viên, phụ trách việc bán hàng, ghi sổ kế toán và thư từ kinh doanh. Ngôi nhà của Streicher trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện âm nhạc, diễn ra vào sáng thứ Hai và được các nhạc sĩ hàng đầu của Vienna thường xuyên lui tới, trong đó có Beethoven đã biểu diễn ở đó nhiều lần.
Cây đại dương cầm Empire chế tạo bởi Nannette Streicher vào năm 1822 có âm thanh quyến rũ tuyệt đối.
Ngoài sự nghiệp âm nhạc của mình, Nannette còn đóng vai trò như một người mẹ nuôi cho Beethoven. Bà thường xuyên tìm cho ông chỗ ở mới sau khi ông bị đuổi ra ngoài vì đập đàn piano vào tường lúc nửa đêm. Bà sẽ được giữ chìa khóa, tự vào nhà, dọn dẹp chỗ ở của ông, dọn đồ ăn thừa hay thậm chí mang quần áo của ông về nhà giặt và phơi chúng. Bà luôn túc trực chăm sóc ông khi ông thường xuyên đau ốm, và Beethoven thường xuyên tìm đến bà để xin lời khuyên về các vấn đề trong nhà - đặc biệt là sau khi ông trở thành người giám hộ của cháu trai mình, Karl.
Ludwig van Beethoven
Nanette và chồng qua đời cùng năm sau 39 năm chung sống. Họ được chôn cất cùng nhau tại khu nghĩa trang dành cho các nhạc sĩ của Zentralfriedhof ở phía nam Vienna. Ngôi mộ của họ nằm đối diện với mộ Beethoven sau này.