Dòng nhạc Bolero tại Việt Nam

20/06/2019 5206

Kể từ lúc được một người Tây Ban Nha tên Sebastian Cerezo sáng tạo ra, Bolero dần trở thành điệu nhạc thịnh hành tại các nước lân cận như Anh, Pháp,... Sau đó theo chân người Pháp sang Cuba và được phổ biến khắp các nước Nam Mỹ. Khoảng thập niên 50, Bolero bắt đầu du nhập vào Việt Nam.

Từ khi vào Việt Nam thì Bolero đã thay đổi đi rất nhiều so với nguyên thủy, từ nhịp điệu đến lời ca. Nhịp điệu đã được cải biên chậm hơn, sao cho phù hợp với tính cách và tâm hồn người Việt (bởi người Việt vốn ưa thích những gì khoan thai, chậm rãi). Tuy nhiên điểm đặc biệt nhất của Bolero Việt Nam phải kể đến lời nhạc. Lời ca rất đời thường, mộc mạc, nghe là hiểu là thấm. Bolero đã trở thành một trong những dòng nhạc được yêu thích nhất Việt Nam vì nó... Việt Nam. Nó nói lên được tình cảm đơn sơ chân thành của tình yêu đôi lứa, nói lên được sự thiêng liêng của tình cảm gia đình, nó cũng nói lên được sự mất mát, chia ly của một đất nước chịu nhiều khổ đau vì cuộc chiến đang kéo dài.

Từ những bài hát về người nông dân lam lũ, chân lấm tay bùn bên con trâu thân thiết, nhưng vẫn luôn vui tươi hạnh phúc với công việc của mình:

Bên luống cày đời vui đang nở hoa

Ôi áo màu nâu tươi sao đẹp quá...”

(Nắng Lên Xóm Nghèo của Phạm Thế Mỹ)

Hay như lúc đôi tình nhân bịn rịn chia tay ngày anh lên đường ra tiền tuyến, xót thương cho đời nhau, còn gì day dứt hơn:

Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian

Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài,

Trước khi phân kỳ, ước sao cho tàu đừng đi.”

(Chuyến Tàu Hoàng Hôn của Minh Kỳ và Hoài Linh)

Nắng chiều - Bản Bolero đầu tiên của Việt Nam

Các nhạc sĩ tiên phong...

Giai đoạn đỉnh cao sáng tác Bolero” là cách gọi người viết muốn đặt cho giai đoạn thập niên 60. Đây là thời kỳ các bài hát Bolero ra đời liên tục và được đông đảo khán giả yêu mến, trong đó có những bài hát đến tận bây giờ bạn vẫn có thể được nghe thấy khắp đường lớn hay hẻm nhỏ, không hề xưa cũ. Thế hệ những nhạc sĩ tiên phong khai phá dòng nhạc Bolero tại Việt Nam đều là những tài năng mà mỗi giai điệu, mỗi lời ca họ viết ra đều như “rót mật vào hồn” người nghe. Một số nhạc sĩ nổi bật trong khoảng thời gian này có thể kể đến: Lam Phương, Hoàng Thi Thơ, Trúc Phương, Mạnh Phát, Châu Kỳ, Duy Khánh, Minh Kỳ, Hoài Linh, Anh Bằng, Anh Việt Thu, Dzũng Chinh, Lê Dinh, Hoài An, Y Vân, Lê Trực, Tuấn Khanh, Phạm Thế Mỹ, Phạm Mạnh Cương,...

Giai đoạn đầu từ 1954 đến 1960, các sáng tác Bolero còn ít do mới được du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên sang đầu thập niên 60, các nhạc sĩ sáng tác hăng say và cho đời số lượng bài hát đáng kinh ngạc với nhiều chủ đề từ tình yêu, tình bạn, tình đồng chí, tình yêu quê hương đất nước,... rất nhiều trong số đó đã đi vào lòng người, được đông đảo khán giả đón nhận nồng nhiệt. Trong đó có những bài hát còn được yêu thích và được nhiều ca sĩ hát đi hát lại đến tận hôm nay.

Nhạc sĩ Lam Phương

... Và những ca sĩ nổi danh

Chúng ta có 5 ca sĩ nổi danh cho giai đoạn đầu của Bolero Việt Nam gồm: Duy Khánh, Nhật Trường đối với ca sĩ nam và Hoàng Oanh, Phương Dung, Thanh Thúy đối với nữ. Những người này tuy mỗi người có một cách hát khác nhau, chất riêng không lẫn đi đâu được nhưng khi hát những bản Bolero buồn cũng không rên rỉ, sướt mướt tạo cảm giác ủy mị hay ủ dột. Giọng hát buồn của họ nói lên được cái thực tại của tình yêu nồng thắm, lãng mạn và tình tứ dù ở trong bất kì hoàn cảnh khắc nghiệt nào. Chỉ trong khoảng thời gian vài năm đầu của thập niên 60, những con người này đã dẫn đầu đoàn người lăn bánh chuyến xe nhạc vàng (tất nhiên trong đó có nhạc Bolero) chạy bon bon trên con đường âm nhạc đầy hoa gấm.

Rồi đến khoảng nửa sau của thập niên 60, làng âm nhạc đón nhận thêm sự xuất hiện của nhiều tiếng hát xuất sắc mới tiếp nối theo sau đó như: Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Tuấn Vũ, Hương Lan, Trang Mỹ Dung, Giang Tử… họp thành một lực lượng hùng hậu cho dòng nhạc Bolero Việt Nam trước và sau 1975.

Ca sĩ Phương Dung thời trẻ

Nhạc Bolero hiện nay

Thời gian vài năm trở lại đây có thể gọi là giai đoạn bùng nổ trào lưu hát nhạc Bolero. Các liveshow tại các thành phố lớn của những danh ca một thời luôn cháy vé, ca sĩ mọi dòng nhạc ít nhiều đều “đá lấn sân” sang Bolero, các cuộc thi về tìm kiếm tài năng Bolero mọc ra như nấm sau mưa. Tuy nhiên đây chưa hẳn đã là tốt, vì bên cạnh những ca sĩ hay cuộc thi có chất lượng chuyên môn cao thì vẫn còn đâu đó tồn tại nhiều bất cập. Bởi lẽ Bolero là dòng nhạc dễ nghe nhưng không dễ hát, nên nếu cố gắng gò ép, biến tướng sẽ gây ra phản cảm từ đó đánh mất tình yêu của khán giả.

Phần kết

Dòng nhạc vàng Việt Nam nói chung và Bolero nói riêng đã, đang và sẽ giữ được sức sống mạnh mẽ của mình, vì nó chính là hiện thân cho con người Việt Nam bền bỉ, tình cảm, ôn hòa nhưng không ủy mị, yếu đuối. Bolero đã đồng hành cùng người Việt trải qua bao thăng trầm của lịch sử, là nhân chứng cho sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam. Bởi vì “Âm nhạc là ngôn ngữ chung của nhân loại. Âm nhạc hiện hữu tự sâu thẳm trong mỗi trái tim mỗi người”.

(Q.K)

Bình luận

Bình luận
LIÊN HỆ
Chúng tôi sẽ giúp bạn tìm đúng giải pháp cho đam mê của bạn.
ĐĂNG KÝ NHẬN EMAIL CẬP NHẬT
Để lại email để nhận thông tin mới nhất.
Tôi đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân của mình.