Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28/2/1939 và mất ngày 1/4/2001, là một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc đại chúng, Tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Mỗi bản nhạc ông viết không đơn giản là chỉ là thứ tình cảm trong mường tượng, lượm nhặt từ những câu chuyện cuộc sống mà đó chính là cuộc đời, là chuyện tình của chính ông. Còn tuổi nào cho em, Diễm xưa, Tuổi đá buồn, Thuở bống là người,… đều là các ca khúc Trịnh Công Sơn sáng tác cho những “nàng thơ” của mình sau những cuộc tình đầy tiếc nuối, có khi chỉ là ngộ nhận…
Nhắc đến các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sẽ là thiếu xót lớn nếu không nói về “Diễm Xưa” - bài hát được viết vào năm 1960 nói về một người con gái tên Diễm mà ông thầm thương trộm nhớ. Những rung động, cảm xúc của một con tim yêu thương đang mòn mỏi ngóng chờ bóng dáng một người với tà áo dài thấp thoáng sau hàng cây: "chiều nay còn mưa sao em không lại”. Trách móc đấy nhưng vẫn trông ngóng mãi một bóng hình. Một mối tình mà với nhạc sĩ đó là khoảng thời gian đẹp của cuộc đời và hình ảnh người con gái ấy mãi đi theo bản tình ca bất hủ của ông.
Có thể nhiều người chưa biết, nhưng "em" là một nhân vật có thật của "Diễm xưa". Người con gái này tên là Ngô Vũ Bích Diễm - một cô gái gốc Bắc đã theo chân gia đình vào Huế. Gặp gỡ để rồi nảy nở một "tình yêu đầu thầm lặng”, "Diễm xưa" cứ thế ra đời như cách nhạc sĩ tài hoa cất giữ một mối tình đẹp. Cố đô Huế cổ kính và trầm mặc ẩn mình với dòng sông Hương bao bọc, khung cảnh ấy với những cơn mưa rả rích khiến đất Thần Kinh càng trở nên buồn bã và mơ mộng. Trong khung cảnh ấy, chợt đâu đó một sắc sáng nhen lên khi có tà áo bay trong gió se lạnh, bóng dáng ấy với bước chân khoan thai nhẹ nhàng, một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt trên đường tới trường thật thơ và họa. Để rồi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang mãi trong mình nỗi nhớ mong bóng dáng hao gầy, mảnh mai ấy.
"Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu..."
"Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt...", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết như vậy về Diễm.
Tình yêu đó cứ lớn dần, lớn dần để mội khi trời đổ cơn mưa, ông lại hướng mắt mình từ khung cửa sổ chỉ để tìm kiếm một dáng hình ấy, dáng hình người con gái ông yêu thương trong cơn mưa chiều đặc trưng của Huế. Dáng hình người thương đi học mỗi ngày hai lượt đi về đều đặn dưới hàng cây long não trong không gian tĩnh lặng và trong lành tạo ra cảm giác bước chân kia như bước đi vô định. Hình ảnh ấy ăn sâu vào trong tiềm thức của ông, khiến nhạc sĩ như phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của một giấc mơ.
"...Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa..."
Giáo sư Bửu Ý đã từng viết lại câu chuyện về mối tình đẹp nhưng buồn đến nao lòng này của Trịnh Công Sơn: "Giã từ nơi huyên náo năm 1959 để về lại với Huế êm đềm, với những đoàn học sinh áo trắng Đồng Khánh lóc cóc guốc mộc, với những hàng cây long não, những chiếc cầu, Trịnh Công Sơn sửa soạn rước vào tâm khảm một hình bóng thiếu nữ suốt đời không phai: đó là hình bóng của Diễm xưa, năm 1960, và ca khúc này cũng trở thành bất tử”.
"Diễm xưa" ngoài việc là một tuyệt tác âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn là một mối tình mang theo suốt cuộc đời ông. Diễm trong mắt ông đẹp tới mê hồn, dịu dàng, nhẹ nhàng mà sâu lắng, nên ca khúc của ông cũng đẹp giống như tựa đề của nhạc phẩm. Yêu mà không dám nói để rồi trong suốt những cuộc tình sau này của ông, người ta đều tìm thấy hình ảnh của cô gái Ngô Vũ Bích Diễm năm nào.