Âm nhạc ảnh hưởng tích cực đến nhân cách con người

12/11/2016 5693

Nghệ thuật âm nhạc và quá trình hình thành nhân cách

Nghệ thuật âm nhạc phản ánh cuộc sống, tâm tư tình cảm của con người, đánh thức mọi xúc cảm sâu xa, thầm kín nhất. Do vậy, ngoài khả năng đem lại niềm vui, sự sảng khoái và nguồn nghị lực cho con người trong cuộc sống còn có tác dụng thức tỉnh tình cảm của họ qua những cung bậc hết sức tinh tế. Chính nhờ đặc trưng là âm thanh và nhịp điệu trong âm nhạc đã đánh thức cảm xúc của con người, đồng thời gợi sự liên tưởng sáng tạo.

Nội dung và hình thức trong âm nhạc cũng góp phần vào việc phát triển trí tuệ, ý thức tập thể và khả năng nhận thức cho con người. Do vậy, suy cho cùng, giáo dục thẩm mỹ âm nhạc là giúp con người nhận thức, cảm nhận được cái đẹp, là phương tiện để mở rộng cái đẹp. Bên cạnh đó, sức mạnh cảm hoá của âm nhạc tiến bộ, lành mạnh sẽ giúp con người vươn tới một nhân cách toàn vẹn.

am-nhac-anh-huong-tich-cuc-den-nhan-cach-con-nguoi 1

Nhân cách là toàn thể những thuộc tính đặc biệt mà một cá thể có được trong hệ thống các quan hệ xã hội. Trên cơ sở hoạt động và giao lưu nhằm chiếm lĩnh các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần. Các thuộc tính đó bao hàm các mặt về đức, trí, thể, mỹ.

Phát triển nhân cách con người là quá trình tác động toàn diện lên các mặt trên bằng các phương tiện khác nhau, trong đó âm nhạc là một trong những phương tiện hết sức quan trọng. Sự tác động trực tiếp, mạnh mẽ của hệ thống âm thanh nhạc đã được "nhào nặn" vào tâm tư, tình cảm của người nghe, làm cho người nghe tự điều chỉnh nhân cách của chính mình.

Song cần thấy rằng, vai trò của âm nhạc đối với quá trình phát triển nhân cách con người không chỉ thể hiện với tư cách một phương diện tác động từ những giá trị chân, thiện, mỹ từ bên ngoài vào, mà chủ yếu là với tư cách khơi dậy những tiềm năng giá trị chân, thiện, mỹ từ chính bên trong mỗi thực thể nhân cách. Nhà văn M. Gorki cũng đã từng nói rằng: “Con người về bản tính vốn là nghệ sỹ. Ở mọi nơi nó đều cố gắng bằng cách này hay cách khác đưa cái đẹp vào cuộc sống của mình”.

Để biểu hiện được hình tượng nghệ thuật nhất định nào đó, âm nhạc cần có sự sắp xếp một cách có tổ chức những âm thanh nhạc một cách nghệ thuật và khoa học. Nghệ thuật âm nhạc vốn thực sự là khoa học với đầy đủ ý nghĩa của nó về tâm sinh lý con người, về sự nối tiếp và hoà hợp các âm thanh âm nhạc… Nhà soạn nhạc phản ánh thế giới không phải bằng sự ngẫu hứng thuần tuý, tuỳ tiện mà bao giờ cũng dựa trên những nguyên tắc khoa học về kỹ thuật sáng tác, về sự kết hợp nối tiếp cũng như khả năng thể hiện và hoà hợp giữa các âm thanh nhạc, khúc thức, phối khí sao cho phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý của người nghe. Đồng thời, còn là sự kết hợp giữa cái riêng, cái cảm xúc tức thời của người nghệ sĩ với cái phổ quát qua các dấu ấn, hơi thở của dân tộc, của thời đại.

Bên cạnh đó, giáo dục âm nhạc ngoài việc là một bộ môn nghệ thuật, một bộ môn khoa học, nó còn là một bộ môn nhân học. Bởi vì âm nhạc do con người tạo ra. Nó phản ánh tâm tư, tình cảm, thế giới quan của con người và mục đích cuối cùng cũng chỉ nhằm hướng đến và phục vụ con người. Carl Orff đã nói: “Âm nhạc bắt nguồn từ con người”. Người xưa có câu “phàm âm chi khởi, do nhân tâm sinh giã” (phàm là âm nhạc thì đều bắt nguồn từ trái tim con người). Vì vậy, việc tiến hành đào tạo con người toàn diện, nhân tài của mọi thời đại là không thể coi nhẹ tác dụng của giáo dục âm nhạc.    

Trong quá trình sáng tạo, biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật có hai hiện tượng cần ngăn ngừa nhằm giáo dục thẩm mỹ âm nhạc lành mạnh đó là: Chủ nghĩa hình thức và Chủ nghĩa tự nhiên. Cả hai hiện tượng này đều là hai bệnh trạng của xã hội từ xưa tới nay mà ngày nay tồn tại khá phổ biến và chiếm lĩnh trong đời sống âm nhạc của giới trẻ, khiến cho các giá trị bị đảo lộn, dẫn đến tình trạng ngày càng lệch lạc về thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ hiện nay.

Để ngăn ngừa hai hiện tượng này cũng như để tạo ra một môi trường âm nhạc lành mạnh, tiến bộ và phát triển thì chúng ta phải làm đầy đủ và thật tốt công tác giáo dục thẩm mỹ âm nhạc trên cả năm nhóm chủ thể thẩm mỹ âm nhạc đó là: nhạc sỹ; nghệ sỹ biểu diễn; nhà phê bình âm nhạc; nhà chỉ huy, dàn dựng, tổ chức, sản xuất âm nhạc và đặc biệt là một lượng lớn người nghe nhạc là công chúng. Trong đó quan trọng nhất là ba chủ thể nhạc sỹ, nghệ sỹ và công chúng vì nó thể hiện rõ nhất mối quan hệ chặt chẽ giữa ba khâu của hoạt động âm nhạc.

Bình luận

Bình luận
LIÊN HỆ
Chúng tôi sẽ giúp bạn tìm đúng giải pháp cho đam mê của bạn.
ĐĂNG KÝ NHẬN EMAIL CẬP NHẬT
Để lại email để nhận thông tin mới nhất.
Tôi đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân của mình.