1. Blackey của Eric Clapton
Eric Clapton cùng với cây Blackie
Blackie là một cây Fender do Eric tự lắp ráp từ ba cây đàn ông mua ở tiệm về từ những năm 70. Blackie được “cha đẻ” của mình sử dụng thu âm cho bài tình ca bất hủ Layla. Tới giữa thập niên 80, ông không sử dụng nó nữa. Trong một cuộc đấu giá vào năm 2004, Blackie được bán với giá $959.500, một kỷ lục vào thời điểm đó.
2. Rickenbacker 12 dây của George Harrison
George Harrison với cây Rickenbacker 12 dây
Đây là một trong những cây guitar 12 dây đầu tiên trên thế giới. George hay dùng nó vào năm 1964. Đặc biệt, cây đàn này đã làm nên hợp âm mở đầu đầy ấn tượng của ca khúc A Hard Day’s Night -một trong những hợp âm hay nhất thập niên 60. Cũng từ chính hợp âm này thôi thúc nhóm nhạc The Byrds sử dụng đàn 12 dây, tạo nên những âm thanh đặc trưng cho The Byrds.
3. Red Special của Brian May (Queen)
Brian May biểu diễn với Red Special
Thường thì những nghệ sĩ chơi guitar sẽ dùng đàn do hãng sản xuất, hay lắp ráp cho mình một cây từ những cây đàn có sẵn. Nhưng cây Red Special là một ngoại lệ. Red Special là cây guitar do chính Brian May và cha mình chế tác từ tấm gỗ của lò sưởi. Lý do là lúc đó, đàn điện khá mắc đối với May, và ông cũng muốn bắt tay vào làm thử một cây đàn. Hình ảnh May gắn liền với Red Special, bởi ông luôn dùng nó khi thu âm cũng như khi biểu diễn.
4. EDS-1275 Gibson hai cần của Jimmy Page
Cây đàn hai cần của Jimmy Page
Stairway To Heaven là một trong những bài kinh điển nhất của nhạc rock. Chính cây đàn EDS-1275 Gibson hai cần đã làm nên những âm thanh "như có sắc màu" đó. Jimmy Page không phải là người đầu tiên sử dụng loại đàn này, nhưng có lẽ ông là người duy nhất trước đến nay có thể khai thác được những âm thanh tuyệt mỹ như thế.
5. Monterey Stratocaster của Jimi Hendrix
“Chúa của guitar” và Monterey Stratocaster
Cây đàn này nổi tiếng bởi màn đốt đàn của Jimi tại đại nhạc hội Monterey năm 1967 - một trong những hình ảnh ấn tượng nhất lịch sử nhạc rock. Trước đó, Jimi thông báo với khán giả là sẽ “hy sinh một thứ tôi rất yêu quý”. Kết thúc màn biểu diễn bài Wild Thing, Jimi hôn lên cần đàn rồi đốt nó, linh thiêng như tế thần linh. Sau đó Jimi đập cây đàn ra nhiều mảnh rồi rời sân khấu. Những họa tiết trên đàn do chính tay Jimi vẽ.
Một phần còn sót lại của cây đàn được trưng bày tại Washington
6. ES-355 'Lucille' của B.B King
B.B King và cây Lucille yêu quý
Bạn sẽ làm gì khi xảy ra hỏa hoạn? Tất nhiên là chạy thoát thân càng nhanh càng tốt. B.B King thì khác. Năm 1949, vũ trường ông đang biểu diễn bị cháy. B.B King sau khi thoát ra đã chạy ngược vào lại đám cháy để cứu lấy cây đàn của mình. Sau đó ông biết được vũ trường cháy là do vụ tranh chấp giữa hai người đàn ông vì một cô gái tên là Lucille. Từ đó, ông đặt tên cây đàn yêu quý là Lucille và còn viết bài hát Lucille cho chính cây đàn của mình.
7. Guitar bass Höfner 'Violin' của Paul McCartney
Paul McCartney với Hofner Violin năm 1964
Hình ảnh Paul McCartney với cây bass nhỏ nhắn, kiểu dáng giống một cây violin đã trở nên quá quen thuộc. Ông dùng nó từ những ngày đầu chơi bass. Lúc mới nhìn thấy nó, Paul đã thích ngay, bởi ông thuận tay trái, một cây đàn thanh mảnh sẽ không gây vướng víu, nhìn đẹp mắt hơn rất nhiều. Paul nói cây đàn này giúp ông trông “bớt ngớ ngẩn hơn”.
8. Fender Stratocaster của Stevie Ray Vaughan
Stevie Ray Vaughan và “Số một”
Fender Stratocaster được Stevie Ray Vaughan lắp ráp từ thân của cây đàn sản xuất năm 1963 và cần đàn một cây khác sản xuất từ 1962. Ông âu yếm gọi nó là “Số một”, “Người vợ đầu tiên”. Ông luôn gắn bó với cây đàn của mình. Ông hay dùng đến nỗi cây đàn phải qua nhiều lần tu sửa. Người ta giật mình khi nhìn nhận rằng cuộc đời Stevie như gắn liền với cây đàn. Bởi sau vài tuần khi cây đàn bị hỏng hoàn toàn trong một tai nạn, Stevie cũng mất.
Bài viết được quan tâm: