Hướng dẫn thiết kế phòng thu âm tại nhà (Phần 1)

09/05/2019 32582

Phòng thu âm từ lâu đã không còn là một thứ gì đó quá xa xỉ và chỉ dành cho dân chuyên nghiệp, bạn hoàn toàn có thể tự mình thiết kế một phòng thu tại nhà để phục vụ cho nhu cầu, đam mê của mình.

Nếu ý tưởng tự tìm kiếm thiết bị cho phòng thu tại nhà xuất hiện trong đầu nhưng bạn chưa biết bắt đầu từ đâu và còn quá lạ lẫm với một núi thiết bị với công dụng và tính năng khác nhau làm bạn từ bỏ ý định. Hôm nay Việt Thương sẽ hướng dẫn cách thiết kế cho mình một “home studio” đơn giản mà hiệu quả.

Để bắt đầu bạn nên thiết kế một phòng thu cơ bản nhất có thể - điều này hoàn toàn khả thi và đây cũng là cách những người đi trước khuyến khích, vì như mọi sở thích khác nếu đầu tư quá nhiều ngay tại thời điểm bắt đầu sẽ dể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp và cảm thấy như đây là một gánh nặng.

Vậy để loại bỏ khả năng có thể khiến bạn bỏ ngang và tốn nhiều chi phí đầu tư, hãy bắt đầu đơn giản nhất có thể. Những thiết bị liên quan đến phòng thu thường có mức giá khá cao, nên người chơi thường tìm kiếm những lựa chọn rẻ nhất có thể. Điều này hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên giá thành thường đi cùng với chất lượng vì vậy bạn cũng không nên lựa chọn những sản phẩm quá rẻ - chúng có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của bạn.

Chi phí cho một home studio tại nhà căn bản nên nằm trong khoảng từ 10 triệu. Với những thiết bị trong tầm giá này, chúng hầu như có thể phục vụ cho hầu hết mọi nhu cầu cơ bản của mọi người chơi.

Sau đây là những thiết bị cần có cho một phòng thu tại nhà.

Audio Interface

Audio Interface là một thiết bị ngoại vi dùng để kết nối với máy tính của bạn,chúng có chức năng là cầu nối truyền tải các tín hiệu âm thanh từ bên ngoài vào máy tính và ngược lại. Về cơ bản, chúng có công dụng như soundcard có sẵn của máy tính nhưng cung cấp chất lượng âm thanh tốt hơn với nhiều đầu vào, đầu ra và tính năng hơn.

Audio Interface sẽ có bộ chuyển đổi âm thanh kỹ thuật số (Digital Audio Converter) giúp chuyển đổi tín hiệu âm thanh analog thành dữ liệu digital (A/D) và ngược lại (D/A).

Các điều cần lưu ý khi lựa chọn Audio Interface cho nhu cầu home studio:

  • Loại cổng kết nối, số lượng kết nối phù hợp với nhu cầu.
  • Cổng kết nối dữ liệu phù hợp với máy tính đang có.
  • Chuẩn âm thanh nên chọn từ 24bit/96 kHz trở lên.
  • Tích hợp sẵn pre-amp và nguồn Phantom 48V.

Microphone

Micro thu âm thông dụng nhất cho phòng thu là micro condenser – một loại micro có độ nhạy cao và khả năng bắt âm thanh chính xác. Khác với mic dynamic, mic condenser cần được cấp nguồn Phantom 48V để có thể vận hành được.

Các điều cần lưu ý khi lựa chọn micro condenser:

  • Trở kháng của micro.
  • Độ nhạy SPL tối đa.
  • Dải tân âm thanh có thể thu được.
  • Hướng microphone phù hợp nhu cầu (Omni Direction, Cardioid, Super Cardioid).

*Phụ kiện cần có cho micro: popfilter để loại bỏ các âm thanh không mong muốn (khi phát âm “s”, “b”, “p”), chân mic để chống rung trong quá trình thu âm.

Tai nghe monitor

Với nhu cầu làm một phòng thu tại nhà, bạn cần có một chiếc tai nghe monitor (tai nghe kiểm âm) thay vì một chiếc tai nghe dùng cho nghe nhạc thông thường. Bản chất của những loại tai nghe monitor là tái tạo âm thanh chính xác, trung thực nhất với trường âm thanh rộng và các dải âm cân bằng.

Tai nghe monitor sẽ phục vụ cho nhu cầu monitor thời gian thực khi thu âm và sử dụng cho quá trình kiểm âm khi mix lại bản thu. Tai nghe monitor giúp bạn đánh giá chất lượng các bản thu âm nhạc cụ độc lập, nghe rõ và tách biệt những nhạc cụ khác nhau trong một bản phối để phát hiện được những điểm chưa hoàn hảo trước khi cho ra một bản thu hoàn chỉnh.

Các điều cần lưu ý khi lựa chọn tai nghe monitor:

  • Dải tần số đáp ứng của tai nghe rộng.
  • Thiết kế close-back để tránh tình trạng tạp âm khi thu.
  • Dây cáp tai nghe đủ dài tiện lợi cho việc thu âm.

Loa monitor

Thông thường quá trình mix nhạc sẽ được thực hiện trên loa monitor (loa kiểm âm). Khác với những bộ loa dân dụng được nhà sản xuất thiết kế âm thanh thêm nhiều “màu sắc” cho nhu cầu nghe nhạc, loa monitor cho tần số âm thanh “phẳng”, cho âm thanh trung lập giúp người dùng có thể dựa vào đó để đánh giá khách quan và mix lại phù hợp.

Với những phòng thu tại nhà, loa monitor cũng là một sự lựa chọn tốt cho nhu cầu mix nhạc sau khi thu, tuy nhiên để tiết kiệm chi phí nhất khi bắt đầu bạn có thể sử dụng tai nghe monitor để mix.

Các điều cần lưu ý khi lựa chọn loa monitor:

  • Dải tần số đáp ứng của loa rộng (khoảng 20Hz - 20kHz).
  • Lựa chọn loa phù hợp: tích hợp công suất và không tích hợp công suất.
  • Công suất tương ứng với nhu cầu, phù hợp với diện tích phòng thu.
  • Độ nhạy loa SPL cao.

Midi Controller

Midi controller là một thiết bị với dạng phím synth-style hay piano, cho phép kết nối với các thiết bị điện tử khác như laptop, PC thông qua các phần mềm, nhờ vậy người dùng có thể điều chỉnh nhạc theo mục đích sử dụng của mình. Midi controller là lựa chọn hàng đầu của những studio nhờ thiết kế nhỏ gọn và tính năng linh hoạt nó mang lại.

midi controller

Các điều cần lưu ý khi lựa chọn midi controller:

  • Số phím của thiết bị (25, 49, 61, 88).
  • Loại bàn phím (Synth, semi-weighted, hay weighted hammer action).
  • Số lượng nút chức năng, pad trên bảng điều khiển.
  • Loại kết nối và số lượng phù hợp cho nhu cầu. 

Các combo tham khảo cho nhu cầu thiết kế một phòng thu tại nhà:

Combo 1: Nhu cầu cơ bản bao gồm: audio interface, micro, headphone, loa kiểm âm (optional).

Combo 2: Nhu cầu cơ bản bao gồm: audio interface, micro, headphone, loa kiểm âm, MIDI Controller (optional).

 

Bài viết được quan tâm:

Bình luận

Bình luận
LIÊN HỆ
Chúng tôi sẽ giúp bạn tìm đúng giải pháp cho đam mê của bạn.
ĐĂNG KÝ NHẬN EMAIL CẬP NHẬT
Để lại email để nhận thông tin mới nhất.
Tôi đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân của mình.