Những bí ẩn của cây đàn Steinway

18/08/2014 4600

Vào năm 1700, một người Ý tên là Bartolomeo de Franceso Cristofori (1655-1731) đã mở một trang sử mới cho nền âm nhạc thế giới khi ông làm nên một cây đàn phím được gọi là Fortepiano và dâng tặng cho hoàng tử Ferdinando de Medici. Gọi là Fortepiano vì trên các phím của cây đàn này người ta có thể đánh mạnh (forte), đánh nhẹ (piano) đề diễn tả cường độ mạnh nhẹ của âm thanh. Đây là điều mà trước đó những cây đàn clavecin không thể hiện được.

Theo dòng thời gian, nhạc cụ này càng ngày càng được cải tiến và hoàn chỉnh. Phím đàn và âm thanh của nó đã chiếm trọn trái tim các nhạc sĩ và những người yêu âm nhạc. Cả một kho tàng đồ sộ các tác phẩm âm nhạc bất hủ của nhân loại đã ra đời trên phím đàn này. Vì vậy, đàn piano (tên rút gọn từ chữ fortepiano) đã trở thành nhạc cụ không thể thiếu trong các buổi hòa nhạc.


Đóng góp vào quá trình cải tiến nói trên có một tên tuổi thật lẫy lừng: Henry Steinway (1797-1871). Ông đã khai mở một trang sử mới cho lãnh vực chế tác đàn piano, đồng thời cũng đặt nền móng cho thương hiệu piano số một thế giới: Steinway & Sons. Theo số liệu thống kê, có trên 98% các nghệ sĩ lừng danh đã chọn Steiway để biểu diễn và có lẽ cũng vì thế mà trên 95% các nhà hát giao hưởng nổi tiếng đều trang bị tối thiểu là một cây đàn này.

 

Diana Krall - Steinway Artist

Hầu như tất cả các nghệ sĩ đều không tiếc lời khen tặng sau khi đã biểu diễn trên đàn Steinway. Athur Rubinstein“Steinway là Steinway và trên thế giới không có cây đàn nào sánh bằng” (A Steinway is a Steinway and there is nothing like it in the world). Diana Krall: “ Biểu diễn trên những cây đàn Steinway là một đặc ân và niềm vinh dự” (It is a privilege and an honor to perform on Steinway pianos). Maurizio Pollini“Những cây đàn grand piano Steinway là những cây đàn hay nhất thế giới” (Steinway grand pianos are the best in the world). Đặng Thái Sơn“Nhạc của Chopin có giai điệu đẹp, no tròn và lóng lánh như những hạt ngọc, chỉ có piano Steinway mới tạo được âm sắc như vậy. Tôi chỉ chơi trên đàn Steinway quen thuộc”. Và còn có cả một bộ sưu rập thật dày về những lời khen ngợi khác mà các nghệ sĩ đã dành cho Steinway qua từng năm tháng.

 

Harry Connick Jr. -  Steinway Artist    

Sở dĩ cây đàn này được ngưỡng mộ như vậy, đó chính là vì những âm thanh tuyệt vời được rung lên từ những phím đàn được chế tác một cách tinh xảo mà Steinway đã mang tặng cho những người yêu âm nhạc.

Chất lượng của Steiway đã trở thành mẫu mực, tiêu chuẩn, thước đo để các nhà sản xuất đàn dương cầm vươn tới. Người ta đã mổ xẻ, thí nghiệm, phân tích cặn kẽ từ cấu trúc vật liệu, từ kĩ thuật đến công nghệ mà các nghệ nhân đã dùng nhằm mục tiêu sản xuất hàng loạt những cây đàn có phẩm chất như Steinway. Nhờ những nghiên cứu này, người ta đã khám phá những nguyên tắc, kỹ thuật và công nghệ tiềm ẩn bên trong của những cây đàn nổi tiếng này.

Nguyên tắc chung về âm thanh của đàn Steinway: Tăng cường âm thanh bằng cách hạn chế sự đánh mất các năng lực rung động. Âm thanh được tạo nên do những rung động của các vật liệu. Những rung động ấy có thể bị yếu đi hoặc bị triệt tiêu nếu có những lực cản. Thí dụ tiếng ồn ào của động cơ nổ được ống giảm thanh hạn chế lại. Cũng vậy, tiếng đàn phát ra có thể bị ngăn lại bởi chính những vật liệu cấu tạo nên cây đàn đó như thùng, những cột đà…

Để tuân thủ nguyên tắc trên, mỗi cây đàn cần phải được thiết kế theo các nguyên tắc truyền âm và sử dụng các vật liệu cao cấp.

Mặt đàn (Soundboard) và con ngựa (Bridge): Đây là hai bộ phận quan trọng nhất của bất cứ cây đàn nào. Người ta căng dây đàn nằm gối lên con ngựa. Những rung động từ cây đàn được truyền qua con ngựa rồi đến mặt đàn. Cả mặt đàn rung động sẽ khuyết đại nguồn âm thanh phát ra từ dây đàn.

Mặt đàn Steinway được ghép từ những tấm ván thông mỏng có những sọc chỉ nhỏ và mịn. Để có thể có những tấm ván có như vậy, trước tiên người ta phải xẻ dọc khúc gỗ làm 4 phần, sau đó mới xẻ thành từng tấm ván để sử dụng.

Khác với mặt đàn của các loại piano thông thường, mặt đàn Steinway không lắp cứng bên trong vách của thành đàn (Rim) bằng những ốc vít, mà nó được định vị cố định nhờ sức nặng của dây đàn và độ ôm chính xác của thành đàn. Nhờ vậy nó có thể nhún nhảy tùy theo cường độ rung động mạnh nhẹ của dây đàn và tăng cường thêm cho chất lượng âm thanh. Loại mặt đàn này gọi là diaphragmatic soundboard được hiểu là mặt đàn cấu tạo như hoành cách mô của cơ thể con người. (Trong thanh nhạc, hoàch cách mô là bộ phận rất quan trọng trong quá trình lấy hơi, giữ hơi và bơm hơi của ca sĩ)

Steinway thiết kế liên thông giữa hai con ngựa dành cho các nốt trầm và các nốt trung – cao. Nhờ vậy sự rung động của bất cứ dây đàn nài cũng được truyền đến khắp mặt đàn, tạo nên sự cộng hưởng đẹp nhất.

Thành đàn (Rim): Thành đàn là bộ phận của thùng đàn. Với grand piano nó là một vành đai bao bọc bên ngoài mặt đàn. Thành đàn có thể là một bộ phận cộng hưởng làm cho âm thanh hay hơn, nhưng nó cũng có thể là một lực cản làm giảm đi chất lượng âm thanh. Người ta thường dùng nhiều lớp ván mỏng ghép với nhau xen kẽ một lớp dọc một lớp ngang. Cách này tạo cho thành đàn được nối kết rất vững chắc. Tuy nhiên các lớp dọc ngang lại làm việc truyền âm bị nhiễu.

Steinway ghép 19 lớp ván mỏng song song cùng chiều. Mỗi lớp ván có độ dài vừa đủ để uốn các vòng cung của thùng đàn. Nhờ vậy lực rung của âm thanh được truyền đi thông suốt.

Khung đà gỗ (Plate): Là hệ thống những cột gỗ được sắp xếp theo hình nan quạt để giữ vững thành đàn và khung sườn hợp kim (frame) để máng dây đàn. Một số cây đàn của những nhãn hiệu khác thường gia cố thêm một hoặc hai cây đà nằm cắt ngang chỉ nhằm làm cho thành đàn và khung đàn thêm vững chắc mà không tính toán đến vị trí thích hợp để tạo nên sự truyền âm tốt nhất. Vì vậy, chính những thanh đà ngang này lại là lực cản sự rung động của âm thanh khi nó đang được truyền trên các thanh đà dọc hình nan quạt.

Steinway thiết kế các khung đà gỗ theo nguyên tắc truyền dẫn âm thanh từ một nguồn âm chính tỏa đều ra các vị trí xung yếu của thành đàn. Nhờ vậy, người nghe có cảm giác như âm thanh được truyền đi từ các ngón tay của người biểu diễn đến xung quanh thành đàn rồi tràn ngập khán phòng.
    
Khung hợp kim (Iron frame) và Block gỗ lên dây (Pin block) : Sức kéo căng của toàn bộ các dây của một cây đàn piano đo được khoảng 20 tấn. Vì vậy, người ta phải dùng một khung hợp kim (Iron frame) thật chắc chắn để chịu đựng lực căng này. Để giữ dây đàn không bị tuột, người ta quấn đầu mỗi sợi dây đàn vào một trục (pin) được làm bằng loại thép đặc biệt. Những trục này được đóng vào một khối gỗ (block) để giữ các trục không quay trả ngược chiều làm tuột dây. Nếu các bộ phận bằng gỗ cần phải có độ rung càng nhiều càng tốt, thì ngược lại khung sườn càng tĩnh lặng càng tốt.

Khung hợp kim của Steinway là một loại thép có thỉ lệ carbon thích hợp đáp ứng hai tiêu chí : độ cứng để chịu lực căng của dây đàn và độ nặng để giảm tối thiểu sức rung.

Pin block của Steinway được ghép từ 6 lớp gỗ theo các chiều : dọc, ngang, và 2 chiều nghiêng góc 450 trái ngược nhau. Nhờ vậy nó có thể chịu được lực kéo từ các chiều khác nhau của dây đàn mà không bị nứt. Ngoài ra nó cũng tạo sự nhẹ nhàng và dễ dàng cho người lên dây đàn.

Bộ máy (Action): Chỉ cần một động tác nhấn phím đàn, lập tức cả một hệ thống đòn bẩy hoạt động để điều khiển một chiếc búa bằng nỉ gõ vào dây đàn. Hệ thống đòn bẩy đó được gọi là bộ máy (action) của đàn piano. Người chơi đàn thường than phiền phím đàn này nặng quá, phím đàn kia nhẹ quá. Điều này có một phần nào đó là do chủ quan của người biểu diễn. Tuy nhiên, có một nguyên nhân khác quan trọng hơn, đó là sự liên quan giữa âm lượng và cao độ. Nói cách khác, với nốt trầm, lực gõ búa cần nhẹ hơn và với nốt bổng lực gỗ búa phải mạnh hơn.

Bộ máy của Steinway là một hệ thống một chuỗi những chuyển động có độ chính xác cao, bao gồm các lực và phản lực. Mỗi phím đàn đều được cân chỉnh riêng biệt về độ nặng của phím và lực gõ của búa cho từng nốt nhạc cao thấp khác nhau. Nhờ vậy, người biểu diễn có cảm giác như chính ngón tay mình trực tiếp tao ra lực gõ búa của từng nốt nhạc.


Buổi hòa nhạc của Lang Lang với 51 cây đàn Steinway


Ngoài những bộ phận chính yếu trên đây, đàn piano còn rất nhiều bộ phận nhỏ khác và những tiểu tiết như cây đàn, mặt phím … của Steinway đã được nghiên cứu cặn kẽ. Nhờ vậy mà công nghệ sản xuất piano ngày nay đã hoàn toàn đổi mới. Người ta đã thành lập những nhà máy riêng biệt để cung cấp các bộ phận khác nhau cho tất cả các nhà sản xuất piano trên thế giới: những nhà máy chuyên sản xuất các bộ máy đàn, những nhà máy chuyên cung cấp dây đàn … Và tất nhiên, các nhà máy này đều dựa trên những khám phá về Steinway để đặt ra các mức tiêu chuẩn cho sản phẩm của mình.

Với những công nghệ mớ, máy móc hiện đại và kỹ thuật tiên tiến, người ta hoàn toàn có thể tạo ra các bộ phận đúng y như tiêu chuẩn của Steinway. Và như vậy, việc sản xuất một phiên bản giống hệt như Steinway là điều nằm trong tầm tay.

Tuy nhiên, một bất ngờ đã xảy ra: các bộ phận phiên bản được lắp ráp với nhau và cân chỉnh đến mức tối ưu đã không tạo nên một cây đàn có âm thanh giống như Steinway mà là một cây đàn hoàn toàn khác. Điều cần phải nói là chất lượng âm thanh của cây đàn phiên bản vẫn kém xa so với những cây đàn Steinway chính hiệu.

Những bí ẩn của cây đàn Steinway không chỉ nằm ở thiết kế hay cấu trúc. Nó cũng không chỉ nằm ở vật liệu cao cấp hay kỹ thuật tinh xảo. Phần lớn những bí ẩn nằm ngay tại mỗi nghệ nhân Steinway. Với niềm đam mê về sự tuyệt hảo (passion for perfection), họ đã cẩn thận chọn lựa từng mẫu gỗ, kiểm nghiệm hiệu quả âm thanh từ chi tiết tổng thể của mỗi bộ phận để cho ra đời một nhạc cụ hay nhất có thể, theo triết lý nghề nghiệp của người sáng lập (To build the best piano possible …).

Những bí ẩn này ngay càng phát triển phong phú hơn qua nhiều thế hệ nghệ nhân Steinway nối tiếp nhau trên 150 năm.

 

 

Bình luận

Bình luận
LIÊN HỆ
Chúng tôi sẽ giúp bạn tìm đúng giải pháp cho đam mê của bạn.
ĐĂNG KÝ NHẬN EMAIL CẬP NHẬT
Để lại email để nhận thông tin mới nhất.
Tôi đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân của mình.