Âm thanh của trống snare được xem là dễ nhận biết nhất trong một bộ trống cơ. Đồng thời trống snare cũng được xem là thành phần giúp tạo nên nhịp điệu chủ đạo cho bản nhạc. Với mỗi đoạn nhạc, giai điệu của trống snare còn giúp đem đến cho người nghe sự cuốn hút và năng lượng mạnh mẽ. Nhiều người chơi trống chuyên nghiệp thậm chí còn luôn mang theo mình chiếc trống snare mà họ tâm đắc để tạo nên dấu ấn phong cách âm nhạc riêng cho mình.
Có thể thấy rằng hiện nay rất nhiều bộ trống cơ chỉ gồm trống bass và tom mà không đi kèm trống snare để người chơi có thể tự mình thêm vào mẫu snare mà họ yêu thích. Để lựa chọn được một chiếc trống snare phù hợp, bạn cần cân nhắc những yếu tố dưới đây.
Trống snare có thiết kế đặc biệt so với những chiếc trống khác trong một bộ trống thông thường. Với chiều cao thấp hơn nhưng trống snare lại sử dụng thêm những chiếc tem trống gắn ở mặt dưới, giúp tạo nên âm thanh “crack” đặc trưng.
Không giống với các trống tom, khi lựa chọn trống snare bạn sẽ cần cân nhắc cả về đường kính bề mặt cũng như bề dày của trống. Hiện nay có rất nhiều sự kết hợp giữa 2 yếu tố này giúp tạo nên trống snare sử dụng cho nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Để dễ dàng cho người chơi khi chọn mua, các hãng sản xuất trống thường đặt tên cho các mẫu trống snare theo nguyên tắc dưới đây.
Piccolo – trống snare có bề dày trong khoảng từ 3″ tới 4.5″
Standard – trống snare có bề dày trong khoảng từ 4″ tới 6.5″
Deep – trống snare có bề dày trong khoảng từ 7″ to 10″
Popcorn – trống snare có đường kính 10″
Soprano – trống snare có đường kính trong khoảng 12″ tới 13″
Standard – trống snare có đường kính 14″
Trên thực tế, độ dày của trống sẽ ảnh hưởng tới âm thanh tổng thể và độ dày của tiếng trong khi đường kính sẽ ảnh hưởng tới cao độ của trống snare. Trống snare có bề dày càng sâu thì âm thanh càng đầy và thường phổ biến với các thể loại nhạc pop, rock. Trong khi trống snare nông hơn sẽ tạo ra âm thanh với nhiều tiếng “crack” hơn, có độ phản hồi tiếng nhanh hơn do khoảng cách giữa mặt đập với mặt cộng hưởng được rút ngắn. Trống snare nông thường phù hợp với nhạc jazz, funk.
Cũng giống với các nhạc cụ percussion khác, trống snare cũng được sản xuất bằng nhiều chất liệu khác nhau. Mỗi chất liệu sẽ tạo ra âm thanh đặc trưng riêng cho snare.
Phổ biến nhất thì trống snare vẫn được làm từ các loại gỗ mộc bởi sự đa dạng và phong phú của dải âm bass và dải trung mà chất liệu này đem lại.
Nếu bạn tìm kiếm trống snare thiên về tiếng sáng và có độ vang tiếng lâu thì trống snare có vỏ trống làm từ kim loại hẳn sẽ làm hài lòng bạn. Loại trống snare này cũng thường được bắt gặp trong các band nhạc chuyên thể loại rock, metal.
Một chất liệu khác được sử dụng là acrylic giúp tạo ra trống snare với những tiếng crack lớn, dày. Tuy nhiên loại snare này rất hiếm gặp và nếu có thì thường sử dụng với thể loại nhạc rock và funk.
Tem trống
Nhiều người chơi thường không mấy để ý đến thành phần nhỏ bé nằm bên dưới trống snare là tem trống. Tuy nhiên đây chính là bộ phận có sự tác động lớn tới âm thanh trống snare của bạn. Có 2 yếu tố giúp thay đổi âm thanh mà chúng tạo ra.
Thử nhất là số lượng dây trong tem trống, có thể là 16, 20, 24 thậm chí là 30 sợi. Với tem trống có 16 sợi, bạn sẽ nhận được âm thanh chỉ khoảng ½ âm thanh tổng thể của trống snare. Với tem trống từ 20 sợi trở lên, càng nhiều sợi thì âm thanh tạo ra càng được tăng lên.
Thứ hai là độ dày của tem trống, tem càng mỏng thì càng nhạy. Nếu bạn chơi nhạc jazz và cần thể hiện được những chuyển động nhỏ nhất thì tem trống mỏng sẽ phù hợp với snare của bạn. Ngược lại nếu bạn chơi nhạc rock thì tem trống dày sẽ giúp thể hiện những cú stroke mạnh mẽ.
Mặt trống
Mặt trống cũng là một yếu tố quan trọng quyết định tới âm thanh của bất kỳ chiếc trống nào bao gồm trống snare. Mặt trống có thể được làm với 1 hoặc 2 lớp chất liệu, bề mặt trơn hoặc phủ. Thông thường các drummer ưa chuộng sử dụng mặt trên của trống snare được thiết kế phủ, 2 lớp để đem tới âm thanh tốt nhất đồng thời vẫn chịu được lực đánh mạnh trong thời gian dài.